Phi Vân

DƯỚI ÐỒNG SÂU

(Truyện dài)

 

Câu Cá

Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Hai tháng rồi, ruộng cấy xong, lúa đang đứng cái và gần có đòng đòng. Nhà nông rảnh việc. Mùa câu kéo bắt đầu, sau những đám mưa dầm.
Nghề câu của dân quê không giống sự tiêu khiển nhàn nhã của dân thị thành mà thỉnh thoảng người ta cũng thấy ngồi buông câu ở bờ sông để… chờ bữa cơm tối, hay để “giết” một sáng chủ nhật! Ở đồng quê, nó là cả một nghệ thuật và cả một công việc đổ mồ hôi.
Phải chịu thức gần phờ râu mới biết giống cá đồng chỉ thèm đớp tới mồi câu vào khoảng đầu hôm đến canh một và từ canh ba đến sáng!
Phải năm cơm bảy cháo mới rõ cá lóc có tật ăn “mồi chạy” bằng nhái sống, cá trê ăn bãm bằng mồi cắt[1]và hơi ngầm. Có những đêm trời lạnh tái môi mà phải cởi trần truồng nhảy xuống ruộng, tay đập muỗi, tay vét rong, gặp môn, nghể không từ, đụng rắn, đỉa chẳng sợ… để dọn “luồng” nghĩa là dẹp một khoảng trống trước khi cắm câu!
Ðó là nói chuyện ruộng nhà, chớ gặp lúc ruộng mình khan cá, mò qua bên đất ngưòi ta thì còn phải chịu biết bao nhiêu là khổ sở hơn nữa.
Tôi chưa từng làm thằng ăn trộm, nhưng tôi chắc đi câu lén không sướng hơn thằng ăn trộm chút nào.
Ừ, thì chim trời cá nước, ai bắt được là ăn, tại sao người ta hay cự nự?
Có hai lẽ. Lẽ thứ nhứt là ai có của cũng muốn để hưởng một mình, dầu chưa có biết hưởng được hay không.
Lẽ thứ hai là kẻ câu lén hay làm chết lúa.
Thằng ăn trộm đi ngã sau vường không khi nào biết tiếc mấy ngọn rau, ngọn cải, không khi nào có ý bước tránh cho khỏi giẫm chưn lên đám đậu, cây cà.
Thì thằng đi câu lén có khác gì? Cứ chỗ nào lúa cao là đoán rằng nước sâu, gặp chỗ nào kín đáo thì dọn luồng, dầu phải nhổ phăng đi cả chục bụi lúa cho trống trải, nó cũng không từ!
Nhưng đó là… ai kìa, chớ tôi, tôi là một kẻ từng lượm mót từ hột ngọc trời, từng cắm từ cộng lúa, có bao giờ tôi đang tay bứt cả cội nguồn.
Chẳng dám vỗ ngực xưng mình “tốt” gì hơn ai, bởi tôi cũng đã từng đi câu lén ruộng người ít lắm là vài chục lần, nhưng đến đâu tôi cũng giữ gìn phải phép lắm!
Năm ấy, nước giựt sớm, mà ruộng tôi hơi gò, nên cá rất ít.
Nghề làm ăn, đã sắm lỡ câu kéo, xuồng bộng, không lẽ đem treo lên giàn bếp… nên tôi đành làm… con vạc ăn đêm!
Một đêm nọ, lấy theo mười đường câuy, tôi đẩy xuồng, bỏ sạp dài tử tế đem nào nóp, nào bếp un, một cây giầm, một cái vợt và cây sào nạng.
Tôi tính qua “nhờ” bên điền ông Chủ Nghĩa. Ông này xưa nay đã có tiếng “oai như cọp, dữ như thần”!
Dọc theo điền ông, ban ngày thấy giăng giăng những bảng cây: “Cấm câu cá! Cấm câu cá!”
- Ậy, ông oai, ông dữ mặc ông, ông cấm thì cứ… cấm, tôi câu lén cứ việc… câu! Có rượt cống xuồng tọt về bên mình. Qua khỏi ranh thì “bà hú”… ai còn sợ gì ai?
Ỷ y như thế, tôi cứ “đường hoàng” chống xuồng qua ruộng ổng.
Thả câu xong, tôi nằm trên sạp, chờ tới giác đi thăm cá.
Ðêm ấy không trăng. Muôn ngàn con mắt long lanh in trên nền trời đen thẫm. Cánh đồng lặng ngũ trong ánh sáng mờ mờ. gió thoảng từng hồi, từng hồi ngọn lúa cựa mình xào xạc. Tiếng giạt sành vang lên trong im lặng xa xa. Tôi cảm thấy bồi hồi tưởng nhớ đâu đâu, rồi nhẹ nhàng, rồi khoan khoái, tôi rung đùi ca.
Chưa kịp nói với các bạn rằng tôi là một cây đờn kìm và ca mùi có điệu, nhờ ở nơi sản xuất ra bản Vọng cổ đời này.
Ai đã nghe tôi nỉ non những bài ruột như “Ác ngậm non Ðoài” hay “Mỗi độ thu về” thì mới biết tại sao cả làng, các cô gái đều ngã lăn ra mà mê mệt!
Ðêm nay, tiếng gió gợi hứng, nằm một mình thanh vắng giữa đồng, lỡ mang cái bịnh tài tử, tôi trút hết nỗi “tơ tằm”:
-… Mỗi độ Thu về…
Tiếng ca ban đầu nho nhỏ, lần lần đượm vẽ mê say, đến ngang tàng, quên phứt cái “oai như cọp”, cái “dữ như thần” của ông Chủ Nghĩ.
-Ôi! Vì thương mà phải bỏ ngai vàng, vì thương mà thành chim, hoá đá, thương thì phải khổ, nhưng càng khổ lại càng thường… ơ!…”
- Ai đó! Câu lén phải không?
Bị nạt thình lình, chớp một cái, tôi ngồi dậy gọn gàng. Quơ gàu nước đổ xèo vào bếp un, rút sào nạng, tôi ra sức chống vo vo.
- Ai đó, ngừng lại! Không, tôi la lên, mấy người rình chung quanh áp lại ví đập chết bây giờ!
La mặc la, doạ mặc doạ, người ta đang chạy chết đây mà!
Xuồng tôi chống đi thoan thoát, xuồng nọ đuổi bon bon.
Thình lình nghe một cài ồ… Thôi chết rồi, xuồng đã rấn lên mô cỏ. Tôi rán sức chống. Xuồng chỉ qua được phân nửa, và lúc rút cây sào tôi nhấn mạnh, lái bị khẩm, nước ào vô rồi chìm lĩm.
Tôi điếng hồn loi ngoi tính lắc nước xuồng, lượm sào chống nữa… nhưng xuồng nọ đã tới kề!
Dưới ánh lồng đèn, hai cây giầm giơ lên cao toan nện xuống.
- Tội nghiệp! Tội nghiệp tôi, ông ơi! Tôi mới lỡ…
Một tiếng cười khì bên xuồng kia:
- Ông ở đâu đây mà ông?
Nghe nói trớ trêu, tôi nhìn lên: Ý trời đất quỷ thần ơi, rõ ràng là một cô gái với một thằng nhãi con!
Có nhục nhã cho tôi chưa, có chết được cho tôi chưa, trời nè! Phải dè… mà thôi, đã đến nông nỗi nầy còn mong gì vùng vẫy, tôi nhỏ nhẹ:
- Tội nghiệp tôi mà cô hai! Tôi mới lỡ một lần…
- Ai biết chú mầy lỡ một lần hay mười lần? Thôi, mau mau lên chống xuồng theo tôi về nhà ông Chủ.
- Trời ơi! nếu cô bắt tôi về đó, ông Chủ xiết câu tôi, tịch thâu xuồng tôi, đóng trăng tôi, tội nghiệp tôi lắm cô hai à!
- Biết vậy sao chú mầy còn qua đây câu?
- Dạ, túng, kiếm ăn chút đỉnh vậy chớ đâu có nhiều nhõi gì, cô.
- Nhiều ít không biết. Ông Chủ dặn hễ gặp ai câu lén, cứ bắt quách về cho ông.
- Như vậy chết tôi còn gì, cô hai. Cô làm nhơn làm phước tha cho tôi một phen, tôi lạy cômà!
Cô gái nín lặng một chút, rồi cười giòn:
- Ừ, lạy đi rồi tôi tha!
Thằng nhãi con, độc, lại khúc khích:
- Á ngộ, đi câu lén mà còn ca mùi cho bị bắt, bị lạy….
Cha chả, tụi nầy chơi “bứt gân” quá! Lạy nó thì nhục, bằng không, nó dẫn về ông Chủ. Rồi làng xóm hay… rồi má mình hay! Ôi, má mình hay được chắc là sầu thảm lắm.
Thôi, một liều, ba bảy cũng liều, tôi bặm môi tự an ủi: Trời tối, ai thấy mà sợ! Mình giả dại qua ải mà!
Tôi chấp tay, sửa soạn mọp xuống… nước thì…
- Ý chết, tôi, thôi! Nè, tôi hỏi thiệt, anh có phải là anh “Sáu đờn kìm” bên điền cậu Bộ không?
Tôi giật mình:
- Dạ… phải!
- Tội nghiệp dữ hôn, lên xuồng tát nước, hơ lửa cho ấm đi anh Sáu, rồi tôi nói cho mà nghe.
Tôi riu ríu vưng lời, bụng bảo dạ: “Mẹ thử, nó còn muốn làm gì đây nữa?” Tuy vậy, tôi hơi vững lòng vì giọng con nhỏ đã dịu, coi mòi dễ thương.
- Nè anh Sáu, em thấy anh một lần hồi theo Ba em qua điền cậu Bộ mua gà. Chèn ơi, anh ca mùi quá! Hồi nãy nghe thanh giọng, em cũng đoán là anh, mà tại anh chạy…
- Không, tôi có chạy đâu, tôi chống chớ!
- Qủy vật anh, đã bị bắt mà còn giễu.
Tôi thấy có mòi “sống êm biển lặng”, hỏi gặng:
- Bây giờ cô tính chở tôi đi đâu?
- Không chở đi đâu hết !
- Cảm ơn, vậy là cô tha cho tôi rồi?
Cô gái bí mật:
- Là tha ở đâu!
Tôi lại hơi lo:
- Coi kìa, bắt không bắt… mà tha cũng không tha, là làm sao?
- Thủng thẳng đã. Nè anh Sáu, bây giờ tôi nói tắt với anh một điều, là tôi tha cho anh… mà lại còn cho anh… câu nữa, nhưng…
- Nhưng… sao?
- Nhưng anh phải “mùi” cho chị em tôi nghe một bài!
- Ý chết! Người ta nghe, áp lại đón ngách, thì phen nầy chắc tôi bị lọi ống quyển!
- Anh nhát hít, lúc nãy em dọa chơi, chó Ba em không có ở nhà, mà cũng không có ai canh vùng nầy hết, chỉ có hai chị em tôi thôi!
Thằng nhỏ nãy giờ im lặng cũng “xía” vô:
- Ừ, ca đi anh Sáu! Mùi một bản nghe chơi rồi câu kéo gì thì câu!…

 

Cá Mắc Câu

Tôi cóm róm bước chưa đầy nửa thước sân, ba con chó vện ở đâu ùa ra, sủa ồn ào, nhăn răng, xửng gáy, dường như hăm he:
- Ếp! Ðứng lại! Bước một bước nữa thì cặp giò mầy nát ngớu như tương.
Nào, tôi có định lại đây với một ác ý: cướp của người như mấy thằng ăn trộm mắc tôi hôm trước nhè rinh đi của ông chủ hết mấy chục giạ lúa đâu? Tôi đến với một ý định hiền lành: mướn đất và “nạp mình” làm tôi cho ông Chủ kia mà!
Một tiếng rày vang từ trong nhà:
- Ðứa nào ra coi làm gì chó sủa rùm ngoài trước vậy? Ði chết đâu mất hết, đố khỏi ăn trộm xúc lúa ban ngày mà coi!
Một chị đàn bà cầm chổi chà chạy ra quơ… Mấy con chó kinh hãi, nhảy lùi, và như còn ấm ức, sủa vớt vài tiếng “quấu, quấu”.
- Anh kia muốn gì?
- Dạ tôi đến xin mướn đất.
Chị ta trề môi, rút chổi lặng lẽ đi vô, oai vệ như một… bà chủ!
Lại có tiếng nói rang rảng ở nhà sau:
- Kêu nó đợi một chút ông mầy thức dậy đã!
Tôi biết thân, ngồi bó gối dưới bóng mát hàng rào bông phướn trước sân, chờ.
Ba con chó bộ luyến tiếc hay thèm cặp đùi của tôi sao mà trở ra ngừ ngừ, đi chung quanh tôi, hửi hửi, liếm áo, liếm tay… liếm mặt. Tôi sợ bay hồn mà không dám la, la nó táp bất tử! Tôi cứ rút chân né, tránh nhè nhẹ. Nhưng cũng may, chúng biết điều, thấy chị ở nói chuyện với tôi, có lẽ đoán “thằng nầy cũng là một bọn nhà”, nên chúng lởn vởn chơi một chút rồi chạy nằm “táp ruồi” bên cạnh bồ lúa.
Tôi chờ một chặp, rồi một chặp nữa. Quái cái ông nầy! Không biết có phải ông ngủ ban ngày, để thay vào lúc ban đêm làm ông thần giữa bồ lúa hay sao, mà trưa đến xế dài ổng cũng chưa chịu thức dậy.
Hay là ổng ể mình?
Không, không có gì ráo. Khi tôi đã mổi mệt, ngồi gục đầu lên gối, thì bỗng nghe một hơi “rò sò sò sò” như bộng nước sôi, tôi ngóc đầu dòm: quả là ông Chủ!
Ông ngậm một hớp nước, súc trệu trạo ba cái, ngước mặt lên trời sôi “rò sò sò sò”, rồi cúi xuống “phẹt” một giọt dài vô gốc cột.
Sau những hồi liên tiếp như thế, ông ôm ngực ho xù xụ, rồi khạc, rồi lại ho.
Cuối cùng, ông mới tằng hắng, đưa mắt ngó lom lom ra đường:
- Trẻ ra coi đứa nào, biểu nó vô đây coi!
Tôi mừng như lượm được vàng.
Tôi theo chị ở vòng ra sau vô nhà thì ông Chủ cũng vừa ngồi lên bộ ván.
Ông co lên một chơn, kéo ống quần, lật lại trong lau mặt, chùi râu, rồi bỏ xuống, đưa tay nhè nhẹ kéo cái khay trầu. Ông tỉ mỉ lựa hai hột cau khô ngâm trong cái chén gần lên meo, bỏ vô miệng nhai chanh chách, rồi têm trầu nhét vô, rồi nhai chanh chách:
- Mầy muốn mướn đất hả?
- Bẩm Chủ, phải?
- Ở đâu lại đây?
- Dạ, bên điền cậu Bộ.
Ông Chủ hất hàm nói bằng một giọng khinh khỉnh chê bai:
- Chắc đã giựt đâu ở bển hết mấy trăm giạ gì rồi!…
Tôi tức gần bể mật, nhưng nhườn nhịn:
- Dạ, đâu có? Tôi giao trả đàng hoàng chớ! Không, tôi làm sao dám qua đây!
- Thôi thôi, tôi sợ mấy ông lắm! Ông Tư Lộ của tôi đó, cũng giao trả đàng hoàng! Ðàng hoàng gần hết tám chục giạ của tôi. Ðây rồi đến điền khác, thế nào nó cũng nói nó giao trả đàng hoàng! Tôi nói thiệt bây giờ tôi sợ tá điền hơn sợ cọp. Không có lúa ăn? Tôi giùm. Không quần áo bận? Tôi cho vay. Thất mùa? Tôi cho nợ… rồi đến khi lúa chín, lớp chèn nhét bán xài, lớp giấu đút cờ hạc. Ruộng trúng mà lúa không có. Ðến lúc nào liệu thế không xong, họ mới cuốn quần cuốn áo, nửa đêm dẫn vợ, dẫn con trốn đi mà! Bởi vậy, bây giờ tôi thấy ai lại mướn đất tôi cũng giựt mình đồn độp…
- Bẩm Chủ, tá điền cũng có nhiều hạng. Có kẻ trốn, thì cũng có người trung htành làm lợi cho Chủ vậy chớ!
- Nói thì tốt lắm! Thằng Tư Lộ, hồi lại mướn đất, cũng nói trung thành như mầy nhưng đến chừng nó trốn, chắc nó cũng xách cái trung thành đó đem theo xài ở điền khác! Mà thôi, mầy muốn mướn sở đất nào?
- Dạ, sở của chú Tư Lộ.
- Ạ, té ra mầy hai tin thằng Tư Lộ trốn mầy mới lại đây?
- Bẩm phải, sở đất đó gần biền, vừa sức tôi lắm. Thế nào tôi làm cũng có lúa.
- Ðó! Vậy mà thằng Tư Lộ cứ nói là đất xấu! Mùa nào tao cũng thấy nó chất đầy cà lang mà khi đập ra, lúa hột biến đâu mất hết!
Quân gian xảo! Sau này tao mới hay nó giấu đem bán cho ba thằng Chệc nghe cà vom ngoài đầu kinh để lấy tiền cờ bạc! Thôi, mà mầy muốn mướn cũng được, nhưng năm nay tao tăng lúa ruộng.
- Bẩm, xin Chủ cho bằng như năm rồi.
- Ðược đâu! Từ rày tao phải tăng như vậy cho mấy người mời. Rủi thằng nào trốn còn có mà bù trừ.
- Bẩm Chủ…
- Không thưa bẩm gì hết. Chịu, thì làm giấy. Không, tao để cho người khác. Ðất tao chẳng “ế ẩm” gì!
Tôi đứng ngây người ra. Bình thường lúa ruộng của ổng cũng đã nặng hơn người ta lắm rồi. Nay ổng còn tăng lên nữa thì cũng bằng làm thí công cho ổng ăn. Tôi suy nghĩ gần điên đầu. Phải dè… Nhưng chẳng lẽ tôi lại trở về điền cũ. Còn mặt mũi nào nhìn người quen. Ăn làm sao, nói làm sao với cậu Bộ mà mình đã quả quyết giã từ?…
Tôi bặm môi nói thầm: Thây kệ, làm thử một mùa!
- Dạ, thiệt tôi cũng rán lắm, chớ làm chắc không thế nào có dư.
- Chịu phải không? Chịu thì làm giấy - đặng coi làm luôn mùa lúa nầy của thằng tư Lộ trốn bỏ. Mầy coi gặt, đập rồi giao hết lúa cho tao. rồi mùi tới tao sẽ tính.
Ông Chủ cho kêu một cậu học trò bên cạnh. Có lẽ đã quen thuộc nhiêù lần, cậu vô tới là đã lơn tơn đi tìm cái hộp thiết trên nóc tủ gần đó, lựa ra một bổn kiểu mẫu đọc cho tôi nghe.
 Tờ lãnh làm ruộng giao
Nay tôi có lãnh làm 50 công ruộng cho ông Chủ Trần Háo Nghĩa tiền công tôi lấy trước phân nửa là 20$. Còn 20$ chờ đến cấy xong, giao ruộng, tôi lãnh tất.
 - Bẩm chủ, tôi xin mướn ruộng, chớ không lãnh ruộng giao.
- Ậy, việc mướn chác thì mình biết với nhau, còn giấy tờ phải làm như vậy cho đúng phép. Phỏng như làm tờ mưóon rồi nủua chừng mầy trốn có phải lòng dòng cho tao thêm không? Làm như vầy mầy lãnh làm công, rồi có muốn trốn, ruộng của tao, bất quá tao gặt lúa trừ. Tao ngừa như vậy, tá điềnt ao đứa nào cũng làm kiểu đó, mà có đứa nào kêu ca gì đâu! Bây giựt của tao thì có, chó tao, ruộng đất minh mông, chẳng dodòi nào tao thèm giựt của bây!
- Bẩm Chủ, còn tiền lấy thêm: Hai chục đồng, tôi đâu có hỏi?
- Mầy quê lắm. Tiền đó là tao buộc phải vay, tới mùa, tao đong lúa trừ. Tao tính mỗi giạ năm cắc. Phải vay mới có mà ăn đặng làm chớ, không lẽ mầy cạp đất mà cày ruộng sao?
- Nhưng… giá lúa bây giờ đến hai đồng một giạ!
- Thì hai đồng bây giờ. Ðây ra giêng còn tới bốn, năm tháng nữa. Chừng đó giá lúa lên cao tao nhờ, sụt tao chịu. Tao dám “cho” như vậy, mà mầy còn chê rẻ…. thôi, không bằng lòng để ruộng đó lại cho tao!
Tôi bủn rủn cả người, mồ hôi trên trán đổ hột. Nếu biết như vầy, thà ở với chủ cũ còn hơn.
Bỗng dưng hình ảnh trời, sao, hình ảnh miếng ruộng, hình ảnh bầy cá táp mồi, và phản ảnh của cảnh tôi bị chìm xuồng, phải năn nỉ ỷ ôi với con tám Én, thảy thảy đều hiện ra chập chờn, từ đầu đến cuối… Tôi ngước đầu dậy nhìn ra sân, nhìn ông Chủ đang thản nhiên chanh chách nhai trầu, rồi tôi cuối xuống nuốt nước miếng cái ực, vỗ mạnh vào vai cậu học trò:
- Ừ được. Thôi viết đi em!

 

Tôn

Khi dọn đồ về ở cái trại của chú Tư Lộ, mẹ tôi cằn nhằn:
- Trại tồi tệ như vầy, mà lúa cũng không mấy trúng lắm, không biết mầy ham là tại làm sao?
- Má đừng lo, bên nầy chủ điền dể, cá nhiều, mùa tới thế nào con cũng khá.
Rồi trong lúc ở không đợi tới mùa, tôi lân la đi làm quen khắp điền.
Tôi đến đâu cũng được ngườit a niềm nở, ân cần. Tiếng ca giọng đờn làm trung gian gây ra biết bao nhiêu tình thân ái đậm đà.
Nhưng cái nhà mà tôi lui tới nhiều hơn hết lại là nhà một người đầy dẫy nghiệp ác: ông thầy Pháp cao đệ.
Sao mà thằng Út nó mê tôi như sam đực gặp sam cái? Vắng tôi một bữa là nó nhớ, biếng chơi, biếng cười.
Ông Thầy, bà Thầy có một mình nó là trai nên chiều như con vua, muốn gì cho nấy, nhiều khi hạ mình năn nỉ tôi ở chơi đờn ca cho thằng Út vui.
Con đầu lòng, cô Yến, năm ấy mới mười bảy xuân xanh. Mặt tròn, mắt sáng, môi mỏng, răng đều, cái gì cũng được hết thảy, chỉ trừ có nước da là đáng phiền!
Tôi không được nói chuyện nhiều với cô, nhưng lần nào lại chơi cũng được cô cho ăn chè nóng hổi, và khuya, bó đuốc cho tôi về.
Lần lần tôi được coi như người nhà, và lần lần, ông thầy cao hứng rủ tôi lên cùng mâm với ông, nhâm nhí cho có bè bạn.
Một đêm kia, tôi mang đến một chai rượu đế thượng hạng, vừa gặp lúc ông đương gậm đùi gà nhậu nhẹt.
- A! Em Sáu mới qua, may quá. Yến đâu con? Ðem them cái chén, đôi đũa.
- Dạ thôi, tôi còn no, xin thầy cứ dùng.
- Ậy, ậy, no cái gì?… Leo lên mà! Cùng hội cùng thuyền, chẳng mấy khi… Ðây mừng em một ly nhỏ.
Kể ra, tửu lượng tôi cũng khá, rán cầm hơi với ổng cho tới khuya.
Ðợi lúc ai nấy mỏi mệt đi ngủ hết, mà chai rượu đế cũng lưng chừng, tôi mới thỏ thẻ:
- Dạ, trong nghề phù phép, thầy cũng là bực anh cả?
- Anh cả thì chưa phải là anh cả, nhưng ở đây không thấy ai hơn “qua”.
- Nếu vậy chắc thầy có đạo “bùa tổ”?
- Chà! Em cũng biết “bùa tổ” nữa! Mà hỏi làm chi vậy?
Tôi ngần ngừ:
- Dạ… nếu thầy biết… tôi xin… học.
- Té ra em cũng ham bùa?
- Dạ đó là sở vọng của tôi.
- Mà em học để làm gì chớ?
- Dạ, ai cũng muốn biết để hộ thân và giúp đời…
Ông thầy ngước lên dòm tôi mỉm cười:
- Em tưởng dễ học lắm sao?
- Dạ, tôi cũng biết là khó, nhưng gắng công bền chí thế nào cũng nên. Mấy năm rồi tôi cũng có luyện chút ít.
- Em họ đạo nào?
- Dạ. “Mẹ sanh”.
- Em biết làm bịnh chưa?
- Dạ, biết chút đỉnh, nhưng mấy đạo “cà tha” của tôi nhiều khi không linh nghiệm bằng bên thầy.
Ông thầy pháp chăm chỉ nghe tôi nói, rồi cúi xuống ăn, gật gù, nín lặng. Lâu lâu thầy bưng ly đánh trót một hơi dài.
Tôi vẫn ngồi hầu rượu.
Ðêm đã khuya lắm rồi mà không thấy ông nói gì nữa.
Tôi nóng lòng đợi mãi không được, buồn ý đứng dậy xin về, nói một giọng chán nản:
- Nếu tôi có đường đột hỏi thầy điều khó khăn đó, xin thầy đừng chấp nhứt. Bởi lòng tôi hâm mộ quá, nhưng chắc tôi không có phần gặp thầy, nên…
Bỗng dưng, ông thầy nhường mắt, đưa tay khoát khoát:
- Không, không phải như em nghĩ. Em đừng buồn. Sở dĩ tôi không trã lời vội là vì tôi đang suy nghĩ coi có truyền đạo bùa đó cho em không. Em phải biết, phép của tôi thì nghiêm nhặt, mà em thì còn nhỏ tuổi quá. Theo luật định, với đạo bùa ấy, một thầy chỉ truyền được có một trò – trò ấy tự nhiên là trò ruột, phải có đủ đức hạnh. Chớ nếu đạo bùa mầu nhiệm đó ai cũng biết và đem ra dùng hết thì còn gì là luật trời, mà tôi đây còn có tước vị gì nữa?
Rồi ông êm giọng:
- Em à, qua thấy em, qua thương, cũng muốn truyền lại, nhưng sợ em còn nhỏ tuổi, nóng tánh hay làm càn.
- Tôi xin hứa với thầy rằng tôi học để giữ mình và giúp đời, chớ không cố ý giựt tiền, cướp ruộng của ai cả.
- Ðược, thôi em đưa tay lên ngay bàn Tổ thề đi, thề độc đi…

 

Ðạo Phù Thần

Cứ đến canh ba không một tiếng chó sủa, không một tiếng gà gáy, tôi tắm gội sạch sẽ, thành tâm đốt một cây nhang, ngồi thẳng lưng, xếp bằng, chăm mắt nhìn vào đóm lửa đỏ.
Tinh thần gom vào ý muốn, tay trái chấp trước ngực, tay mặt họa ấn quyết, thổi ra một hơi, rồi lâm râm đọc không cho vấp, bổng trầm theo giọng Thổ:
“Ốm mà xơ rốp, mà ha xơ rốp, ông chênh cô ró bầm bình, tra ông bầm boul, tầm đóp, moul xốp rốp, chuồl pral anh hòng. Lục cu ru truy khà nhum, pol prốt vìa tế ành hong…”
Tập như vậy ba tháng mười ngày. Ðến chừng mắt nhìn ngọn nhang hết nháy, nín thở không biết mệt, bên tai có tiếng động không giựt mình, chừng đó là được: đạo bùa thành.
Mà hễ thành thì nó linh nghiệm vô cùng. Theo lời thầy tôi, nó dùng được đủ cách: Trừ tà, ếm quỷ, trị các nọc độc, giải phá bùa khác, làm mở mắt kẻ thù, làm thương hòa ghét, làm ghét hóa thương, thù ai có thể làm chết được họ, thương ai có thể làm cho họ mê… tùy theo tay ấn mình bắt, tùy theo ý muốn mình quyết định.
Nhưng đừng ai dại đem mấy chữ bùa trên đây ra học mà xài. Thiếu ấn quyết, trấn ếm, các “bà” thù ghét, sẽ xẹt xuống bẻ cổ chết ngay!

 

Ôm Mà Xơ Rốp…

Ðược đạo bùa linh nghiệm đó, tôi hả dạ không cùng. Sáng luyện, trưa luyện, nửa đêm luyện, mong cho mau thành đặng có làm cho “hả gan hả ruột” một phen.
Khi lúa đã chín vàng, tôi cũng học bùa vừa thành thuộc.
- Cha! Thầy mình khen nó quá mà không biết nó sẽ linh hiệu thế nào! Mà thế nào đi nữa, mình cũng phải thử trước chớ, không. Tổ trác, làm “leo cây” không kịp.
Tôi đinh bụng và lăm le, nhưng chưa có một dịp nào thử bùa.
Chiều một bữa cuối năm. Thầy tôi nhắn qua rằng: Vắng tôi nên thằng Út nhớ lắm.
Tôi tắm gội sạch sẽ, ăn mặc bảnh bao, định rảo sơ một vòng qua xóm rồi sẽ đến nhà thầy tôi không muộn.
Nói là rảo sơ chớ bụng tôi đã quyết tìm cơ hội thử bùa: mà phải thử con gái trước…
Nhưng khốn nạn quá, mấy bữa trước các cô đi kiếm củi bơi xuồng về lênh nghênh đầy rạch, hôm nay rủ nhau trốn đâu mất hết. Mọi ngày các cô đi câu lội đầy đồng, nay cũng vắng tanh chẳng có một bóng ma nào!
Ði khắp xóm, đến đâu người ta cũng niềm nở, mời mọc, hăm vật gà đãi rượu, nhưng tới đâu tôi cũng vẫn lạnh lùng:
- Thôi thôi, cho hẹn bữa khác, hộm nay trong mình tôi khó ở.
Buồn ý, tôi thả rểu ra ruộng, rồi nặng nề đi thẳng lại nhà thầy tôi.
Lúa chín đầy đồng. Trời hôm ấy đẹp quá. Gió chiều hiu hiu từng ngọn. Ðàn cò lũ lượt vổ cánh lưng chừng không.
Lòng tôi bỗng nhiên khoan khoái lại. Có đạo bùa bỏ túi, tôi cảm thấy mình có một địa vị tối cao.
Thiên hạ cùng phục tài “anh Sáu đờn kìm” bao nhiêu, giờ lại cang kính nễ thêm bấy nhiêu.
Mà rồi đây, họ sẽ kêu mình là “Cậu Sáu” hay “Thầy Sáu” cũng không biết chừng!
Ừ, có vậy mới được chớ, lẽ nào tài cán bực nầy mà lại chịu cho họ kêu “Thằng Sáu kia, thằng Sáu nọ”?
Cái buổi vinh quang đã đến. Cái ngày “nợ nần” cũng sắp trả xong. Nghĩ đến đó, tôi sung sướng quá, quên cả mệt mỏi, rảo bước không mấy hồi là đến nhà thầy tôi mà tôi không hay.
Chừng trục thấy bụi chuối phất phơ ngọn lá bên đường, tôi mới đứng khựng lại.
Trời đã sập tối. Ba con chó trong nhà túa ra sủa hai ba tiếng, rồi đánh hơi được, xung xăng ngoắt đuôi mừng.
Tôi lại vỗ cửa:
- Thầy ơi, thầy!
- Ai đó, anh Sáu hả?
- Phải, tôi đây, Thầy Thím đâu rồi cô hai?
Cô Yến rút then cửa:
- Ở nha một mình ban đêm ghê quá! Thằng Út độc địa, mới chập tối đã vô mùng ngáy khò khò. Ba má em hồi chiều có dặn: Nếu anh lại chơi, kêu anh ngồi chờ một chút.
- Thầy, Thím đi đâu cô?
- Qua bên cậu mười em. Mợ mười em khi không “lên xuống” sao đó, nên ở bển qua rước.
- Rủi quá, thôi để tôi đi về…
- Tội nghiệp, về làm gì anh. Ðây ba má em về nói tại em không cầm anh, rầy em oan lắm. Anh ngồi chơi, chờ một chút, em đi nấu chè anh ăn.
- Thôi, tôi không hảo ngọt, mất công cô lắm.
- Công cán gì anh. Ngồi không cũng buồn. Em nấu chè anh ăn, anh đờn nghe chơi cho ấm nhà. Anh coi, có một mình, sau trước vắng tranh, em sợ cái bàn Tổ quá. Chong đèn gì là leo lét như ma trơi!
- Con “nhà tướng” mà sợ bàn Tổ nổi gì?
- Sao không sợ anh! Nhà ở biệt lập giữa đồng như vầy, ban đêm, gió đưa mấy tàu chuối oặt oà, rột rạt, ghê hồn. Hồi nãy chó sủa, em đã thất sắc, chừng nghe tiếng anh, em mới vững bụng.
- Cô nhát quá!
- Không nhát sao được anh, con gài mà ở một mình rủi…
- Bây giờ cô hết sợ chưa?
Cô Yến bẻn lẻn:
- Hết…! Mà anh phải ăn chè nghe?
- Ừ, ăn thì ăn.
Cô lui cui bưng đèn xuống bếp còn quay lại dặn vói:
- Nằm trên ván đó anh Sáu. Nằm một chút cho khoẻ rồi đờn nghe chơi anh.
- Ðược, để đó tôi, cô!
Nhà vắng vẻ thật. Cây đèn trên bàn Tổ leo lét trông bắt lạnh mình. Gió rung tàu chuối nghe ào ào. Mấy con chim ăn đêm ngoài bờ tre lâu lâu kêu lên một tiếng rợn người.
- Oải! Anh Sáu ơi! Anh Sáu, anh Sáu!…
Tôi phóng xuống đất một cái rộp.
- Cái gì, cái gì?
Tôi đâm đầu chạy xuống bếp. Cô Yến la thất thanh, đã quăng cây đèn tắt phụp tự hồi nào rồi.
Tôi chạy thế nào mà nghe tiếng gió sát cạnh tủ, thân mình cạ vô vách buồng rào rào, tôi quên rằng trong đêm tối, các cây cột, bàn ghế sẽ va vào đầu tôi không thương hại.
Nhưng… cô yến đã thẳng trớn chạy lên, lủi vô mình tôi dữ dội. Ðụng nhau mạnh quá đến hai đứa té lăn cù dưới đất… mà cô nằm gọn lỏn trong hai cánh tay tôi.
- Gì đó, gì đó cô?
- Ma! Anh ơi… ma.
- … Ôm mà xơ rốp, mà ha xơ rốp… bầm buôl, tầm đốp… xốp rốp…
Tôi đọc thần chú lung tung beng, loạn xà bần, trống ngực đánh đụi, đụi… đụi.
Cô Yến thở hào hển:
- Ma ở… sau bếp anh à. Em vừa bưng đèn xuống… hai con mắt xanh… hai con mắt xanh… lè, chờn vờn…
- Không sao, không sao, có tôi, đừng sợ!
Tôi rán đỡ cô Yến ngồi dậy, đưa hai cánh tay run run, dìu cái thân hình dịu nhiễu cũng run run, dắt ra trước, đặt cô ngồi xuống ván.
- Cô làm tôihồn vía lên mây!
- Em sớ quá, anh sợ không?
- Sợ gì cô? Nam nhơn chi chí mà!
Tôi làm gan đứng lên, ra mặt bảnh, sửa soạn xuống bếp.
Cô yến bấu chặt tôi kéo lại, năn nỉ:
- Ðừng đi anh. ở lại với em một chút mà!
Như cái máy, tôi buông rơi mình xuống ván.
Không biết chúng tôi ngồi trong bóng tối như vậy bao lâu mà… chừng cô Yến, sực tỉnh, thẹn thuồng gỡ tay tôi ra, tôi mới hoàn hồn.
- Anh làm ơn xuống kiếm giùm cây đèn cho em, kẻo mất, ba má em về rầy chết.
Tôi cũng bối rối.
- Ừ, ừ để tôi đi kiếm, để tôi đi kiếm!
Tôi đốt đèn lớn bưng ra nhà sau. Cây đèn cô yến quăng lúc nãy nằm lăn bên đống củi, ống khói bể nát.
Tôi vói tay lượm lên, mắt láo liên dòm.
Trong lúc đó tôi mới sực nhớ là mình có đạo phù thần mạnh mẽ. Tay bùa chú mà nghe có ma đã run sợ, là một chuyện quái gỡ vô cùng. Tự nhiên tôi thấy “gan” lên, tay bắt ấn, miệng le lưởi thổi dọn đường, rồi dạn dĩ bước thẳng xuống bếp, đưa đèn rọi.
Con mèo mun nằm trong lò, đưa cặp mắt xanh nhìn trân trân, rồi như muốn lại mơn trớn tôi, nó vùng kêu “meo meo”, thẳng lưng phóng xuống đất.
- Cô Hai, cô hai, xuống mà con con ma của cô đây nè!
Thấy mèo, cô yến cười. Rồi cô lăn xăn đi nhúm lửa.
Tôi hỏi giỡn:
- Ủa, còn chè cháo nữa sao?
Cô liếc xèo tôi một cái như dao phớt:
- Chớ sao!…
Ngồi đợi nồi chè chín, lòng tôi bâng khuâng khó tả.
Cô Yến ngồi bên cạnh chõng, lâu lâu quạt vào mùng thằng Út một cái, chăm chỉ đợi nghe tôi ca.
Nhưng tôi, tâm trí đang rối mù, không còn nhóo câu nào là câu nào, đờn nghe lỏn chỏn chết đời.
Ðầu óc tôi gần bể rạn ra bởi những cuộc “cãi lộn” lung tung:
- Hay là thừa lúc nầy mình thử bùa?… Ậy, bậy nà! Con của Thầy mình! Thầy thì Thầy chớ, “thử” chớ phải “thiệt” sao?… Cha, rủi Thầy mình biế?… biết là sao được, chỉ có hai đứa ở nhà… Rủi Thầy mình về bất tử?
Tôi phập phồng hỏi:
- Cô hai ơi, thầy thím sao chưa về?
- Em cũng không biết nữa. Hồi đinói về sớm, mà tới bây giờ…
Tôi nhóng:
- Thôi thì tôi về vậy, khuya rồi!
- Ý!… ở lại với em một chút nữa, anh Sáu à!
Trong giọng nói có một chút gì như van lơn quyến luyến.
Bốn bề lặng lẽ như tờ. Phía sau, lửa cháy lách tách. Tôi quả quyết, cắn môi: Thây kệ, thủu càn…
Toàn thân tôi bỗng run lên, trống ngực tôi đánh rầm rầm. Hai hàm răng tôi cắn khít lại, rồi “Ôm mà xơ rốp…”
- Cô hai ơi, lại tôi chỉ cái nầy!
Thì lạ lùng thay, linh nghiệm thay, tôi gọi vừa dứt lời, cô yến vươn mình bước xuống đất ngoan ngoãn như con mèo sau bếp…
Thình lình, có tiếng cho sủa, rồi chó mừng. Tôi giựt mình đứng dậy.
- Ba má về…!
Ðang đi lại tôi, cô yến trở mình “cái vụt” mừng reo, chạy ồ ra mở cửa.

 

… Mà Ha Xơ Rốp

Tôi tin chắc có sự linh nghiệm của đạo bùa cũng như người ta tin có sự thưởng phạt của đất trời. Lúa đã đỏ đuôi chín. Cả đồng vun một màu vàng mơ. Tôi chưa kịp báo tin cho ông Chủ hay, thì hôm sau ổng ngồi xuồng tới trại.
Tôi nói thầm:
- Có lẽ thằng cha nầy tới số! Mình phải cạy gỡ chút gì mới được.
Từ lâu nay, tôi giấu kín mẹ tôi những điều tôi học tập, mà hôm đó vì mừng quá, thiếu chút là tôi khai ráo ra.
- Má coi kia, ông Chủ bữa nay ghé nhà mình đó. Con dám cá với mà rằng một lát, con xin với ổng gặt năm chục công ruộng nầy, đong đủ lúa chú tư Lộ thiếu, còn dư bao nhiêu cho mình hưởng hết cho má coi.
- Bộ mầy là con ruột của ổng!
- Thì để má coi mà…
Ông Chủ vừa tới cửa. Mẹ tôi khép nép mời ông vào nhà. Tôi cũng lăng xăng bưng trầu, nấu nước.
Ông Chủ hôm ấy mặc quần lãnh đen, áo trắng, có choàng thêm cái bành tô vàng hực. Ông dòm trước, dòm sau, nhìn mẹ tôi, rồi tằng hắng hỏi:
- Lúa khi cũng chín rồi há?
- Dạ, mới đỏ đuôi.
- Nhà thím được mấy người làm?
- Dạ, có hai mẹ con tôi.
Ông Chủ hơi ngạc nhiên:
- Có hai mẹ con mà dám làm năm chục công ruộng, cũng gan chớ!
- Dạ, nhòo thằng nhỏ có sức lực với siêng năng nên cũng tạm xong.
- Chú đâu?
- Dạ, nhà tôi đã mãn phần ba năm nay rồi.
Mẹ tôi trả lời xong, xây lại tôi:
- Con, sao đứng xớ rớ đó? Ði lấy nước cho chủ tráng miệng uống trà chớ!
Tôi giựt mình: Thiếu chút nũua đã quên chuyện lớn. Rồi lẹ bước, ra sau, vái lầm thầm:
- Nhờ Tổ linh thiêng, giúp tay đệ tử…
Rồi tôi vẽ bùa trong chén nước: “Ôm mà xơ rốp…”
Tôi giả bộ cóm róm để chén ngay mặt ông Chủ:
- Dạ, mời chủ tráng miệng!
- Ðược, để đó tao. Cha! Nhà có hai mẹ con, ở chỗ vắng vẻ như vầy cũng buồn chớ, thím há?
- Bẩm Chủ, riết rồi cũng quen đi.
Ông Chủ bưng chén nước hớp, súc miệng.
- Thiệt, tôi thấy tình cảnh thím tôi thương quá. Tánh tôi vậy đó a thím… mà thím thứ mấy?
- Dạ, thứ ba.
- Tánh tôi là vậy đó thím ba à. Tôi thì hay thương người nghèo, thưong tá điền lắm, mà họ không nghĩ, cứ trở mặt giựt của tôi hoài. Như thằng tư Lộ là một.
- Dạ mẹ con tôi tuy nghèo chóo vẫn giữ tánh thiệt thà ngay thẳng, chỉ biết lo làm ăn thật tình mà thôi.
- Ừ, như vậy tôi chịu lắm a… thím. Thím rán ở đây làm cho bền, tôi tử tế lắm chớ không phải như người ta đâu…
Thấy bùa “có gió” tôi chen vào:
- Bẩm Chủ, lúa mùa nầy không trúng mấy, để lâu sợ chuột bọ phá hao hớt. Tôi vừa bàn với má tôi để đến xin Chủ, cho gặt đập, rồi trả số lúa ruộng của chú tư Lộ cho Chủ, còn du chút đỉnh, xin Chủ co cũng như công khó. Làm như vậy Chủ khỏi mất công kêu người gặt, khỏi phải canh chừng…
Ông Chủ ngồi suy nghĩ một chặp. thỉnh thoảng ông nhìn mẹ tôi, nhìn tôi, gục gặc đầu, nói bằng giọng nhân đạo:
- Cha, thằng tính khôn quá! ruộng nầy đâu có thất mậy! Ðể cho mầy gặt mão, thế nào mầy cũng lời ít lắm là năm chục giạ. Phải không thím ba? Thằng nầy muốn tín cao hơn tôi đó. Mà thôi, tôi thấy tình cảnh thím còn trẻ mà goá bụa, nghèo khó tôi thưong. Cho nó chuyến nầy, cũng như giúp đỡ nó và thím. Thằng Sáu, mầy gặt yết gì thì gặt. mà phải rán đong cho đủ lúa ruộng cho tao đa, nghe không?
- Dạ, bề gì tôi cũng phải lo đủ cho Chủ trước.
Nhưng mẹ tôi lại lo xa:
- Cha! Rủi có thiếu, biết làm thế nào?
Ông Chủ đứng dậy cười khì khì:
- Ối! Nói mà nghe, dầu có thiếu chút đỉnh cũng không sao. Tôi đã nói thấy tình cảnh thím tôi thương lắm mà! Thôi tôi về, khi nào rãnh thím qua nhà tôi chơi đừng ngại…
Ðưa ông Chủ ra khỏi cửa, tôi trở vào hón hớn, múa tay, múa chân. Nhưng má tôi nhìn lên nóc nhà, mặt thấy dàu dàu…

 

Oan…!

Mùa gặt tới rồi. Khắp đồng như một mâm xôi lớn. Gió thoảng qua, lúa cửa mình như than thở, lào xào. người ta tưng bừng đầy ruộng. Ai cũng lo làm hối; không, lúa ngã sẽ hư hao nhiều.
Tôi chưa kịp đi mướn người gặt tiếp thì ông Chủ tới nhà:
- Coi, sao thằng Sáu không lo gặt để lúa rực rã hết còn gì?
Ông quay lại mẹ tôi như để méc:
- Thím coi, đêm ngày nó cứ lo đờn địch ca xang. Thím la rầy nó chớ! Tôi nghe đâu nó lại nhà ông thầy pháp Mạnh thường lắm. Ðố khỏi nó bị người ta dụ dỗ, sa đà rồi quên hết việc ruộng nương.
- Cám ơn Chủ có lòng lo lắng cho mẹ con tôi. Tôi nhắc nó hôm qua, song nó còn phải vần công với chú hai Hoá rồi mới gặt được đất nhà.
- Ừ, thì lo sớm sớm, chớ cũng đã muộn rồi!….
Ông Chủ có mòi lo cho tôi lắm. Ông đã lậm bùa của tôi rồi. Hôm ấy ổng cứ nhắc nhở tôi về việc làm ăn, lại còn ở ăn cơm tại nhà tôi nữa. Báo hại tôi chạy hết hơi mới kiếm được cá và đồ nhậu. chai rượu thứ nhì tôi kiếm được, chưa kịp đem cho thầy tôi, bị ổng ực vơi đi hết hai phần. Ổng ăn, ổng uống, ổng nói chuyện huyên thiên!
- Sao nó lớn rồi mà thím không lo vợ cho nó? “có vợ có chồng tát biển đông cũng cạn”. Ðể nó có một mình kham khổ quá, mà thím cũng không ai coi sóc miếng uống, miếng ăn. Nè để tôi chỉ cho. Con gái thằng hai Hoá đó, con gì mầy Sáu?
- Dạ, con tám Én!
- Ừ, con tám Én, tám ơi gì đó. Con nhỏ coi phải thế, dễ thương lắm. Con nhà làm ăn đa. Cày giỏi, cấy gỉoi, gặt cũng giỏi nữa. Cha chả phải chi thím đi hỏi cho thằng Sáu thì nhờ được biết bao nhiêu!
- Nó chưa chịu cưới vợ, Chủ à. Nó nói còn nhỏ.
- Trời ơi, nhỏ quá! Nhỏ mà gần thành yêu. Thím để nó lại nhà ông thầy pháp Mạnh hoài thầy sẽ bắt hồn cho con gái thẩy mà coi!
Tôi giãy nãy:
- Bẩm Chủ, đâu có kỳ vậy được! Con đó còn nhỏ xíu .
Ổng cười khè khè nặc hơi rượu:
- Mười lăm, mười sáu tuổi mà mầy nói còn nhỏ! Tại nó đẹt, nó ốm yếu như vậy, chóo phải là con dòng “làm ăn” coi! Mầy thử so sánh nói với con tám Én thì biết. Cũng một tuổi chóo gì. Ðàng nầy coi có phải đúng câu “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” không. Ý là nó chưa mười bảy đa. Vậy mà nó làm ăn “dàng trời đổ lửa” đi mầy ơi! Một mình nó mà ban đêm chống xuồng đit uần ruộng thì đố cha thằng ăn trộm nào dám lại gần, đó họ thằng câu nào dám lén vô! Nó cho “guỵ thủ chủ” hết thẩy.
Tôi tức tối, nhưng không biết cãi làm sao, đành trề môi lén một cái rồi bỏ đi ra sau.
Mẹ tôi đỡ lời:
- Tôi cũng tính để rồi coi đâu đó phải chỗ hỏi đại cho nó. Chỉ sợ là nhà không đủ ăn. Chủ coi, một đồng một chữ không có, lấy gì làm sở phí.
- Thì hỏi để đó, rán làm ít mùa ruộng là xong!
Ổng ăn, ổng uống, ổng say, ổng nói, rồi ổng nằm liệt tại nhà tôi mà ngủ cho đến chiều.
Mẹ tôi coi bộ khó chịu, kêu tôi nói nhỏ:
- Ổng làm như vậy, tao sợ người ta nói…
- Ối hơi đâu mà lo. Bất quá mình làm “thân” với ổng cho qua mùa lúa nầy rồi sau sẽ hay.
Ngày sau, tôi khởi đầu gặt vần công với con tám Én.
Thấy nó, tôi bợ ngợ và tức tối vô cùng. Nhưng cũng phải nhìn nhận lòi ông Chủ nói:
- con nhỏ làm ăn “dàng trời đổ lửa”.
Nó cầm vòng hái gọn gàng, gặt lia lịa, bó giỏi, “cò” hay. Tôi theo gần đuối mà cũng không làm sao rồi công khi nó xách vòng hái đi về.
Con nhỏ lại độc, cứ bắt công gần tôi để chuyện trò.
Lúc đó tôi mới nhận được ở con nhỏ một tài đặc biệt nữa: tài hò.
Ở nhà quê, khi tụ tập đông, người ta thường đối đáp chơi. Con trai ghẹo, con gái trả lời. Ít thua con trai, nhứt là con tám Én, mà có khi lại còn cho tụi kia “cứng họng” nữa là khác.
Trong bọn gặt con trai, có thằng tư Bồ là hò lấn hơn hết và nghe đâu nó phải lòng con tám Én lâu rồi.
Có lần con tám Én bực mình, tính hạ nó một mẻ:
Tiếng anh ăn học làu thông,
Hỏi anh có biết khăn lông mấy đường?
Ái chà chà, cái con nh3o chơi quá quắc. Nhưng thằng tư Bồ đâu có lẽ chịu lép vế. Nó cũng lẻo mép ghê:
Em về đếm hết cỏ vườn,
Lại đây anh nói mấy đường khăn lông.
Không biết có phải con tám Én bị “nghẹn” ở đó rồi nó sanh ra ghét thằng tư Bồ, hay tại nó thấy mấy bài vọng cổ của tôi hơn điệu hò mấy bực, mà nó theo chuyện trò với tôi. Tôi thì vẫn cứ rủa thầm nó. Vậy mà thằng tư Bồ đâu có hay. Nó thấy con tám Én cứ men men lại tôi là nó nghi, rồi nói ghen. Bởi vậy, nó nhè tôi mà oán “ra mặt”.
Nhiều lúc nó nói xéo tôi trước đông người. Tôi vẫn mỉm cười, không coi vào đâu:
- Tao mà vẽ bùa, thì mười thằng như mầy cũng tán mạng!
Tôi hăm thầm như vậy chớ chẳng nỡ xuống tay, mà cái thằng tư Bồ u mê không biết thân, lại ham làm già cho sanh chuyện.
Có một bữa nọ ứng khẩu hò:
Thấy cô nho nhỏ, tôi muốn bỏ cái nghề đờn,
Theo cô làm tùng giả, đánh quờn cho cô coi.
Có chán chường chưa? Có rõ rệt chưa? nghề đờn là nghề của tôi, còn biết xem quờn là con tám Én. Ông già hai Hoá có truyền lại cho con gái một mớ nghề.
Khi nó hò xong câu đó, con tám Én gặt bê lại gần tôi, nói nhỏ:
- Cái thằng có giọng hò đáng ghét quá anh há?
- Ừ, bữa nào “qua” sửa lưng nó một cấp cho nó tởn.
- Ý không nên! thằng đó là học trò ruột của ba em. Nghề võ nó giỏi lắm.
- Giỏi mặc nó chớ. Nó mà làm gì đuợc “qua”.
- Vậy anh cũng biết nghề nữa à?
- “Qua” không biết gì hết. Nhưng sức của nó, “qua” sè bàn tay là nó nằm một đống!
Con tám Én dòm tôi với một vẻ mặt kinh dị:
- Anh có tài như vậy mà hồi giờ em không dè chớ!
- Dè sao được mà dè! Còn có nhiều cái “lạ lùng” mà em không dè nữa! việc đó sau rồi sẽ thấy.
Nói rồi tôi nghinh nghinh nó như trâu đang hăng. Con tám Én cười:
- Anh nói chơi…
- Thuở giờ “qua” có nói chơi với em lần nào đâu? “Qua” mà, em!
Nói chuyện vỏn vẹn với con tám Én có bấy nhiêu đó mà hôm sau thiên hạ đồn rầm lên rằng: “Con tám Én “tò tí” với thằng “Sáu đờn kìm” ngoài ruộng!”
Phật mà có nhào lộn ngược xuống bàn cho chưa! Cái thù chưa trả, cái hận còn đây, “tò tí” là “tò tí” làm sao?
Nhưng tôi rán dằn lắm, dằn lắm mới chỉ ấm ức lầm thầm: “Rồi một ngày kia mấy người “tò tí” hay “tí tò” gì cho biết!”
Trả công qua lại gần nửa tháng mới rồi, nhưng lúa vẫn còn “cò” phơi ngoài ruộng.
Tôi phải đi tuần nghiêm nhặt vì bọn trộm lộng lắm. Hở một chút, mất cả lúa xuồng.
Vào một đêm không trăng, trời chuyển mịt mù tối đen, rồi mưa rỉ rả.
Mẹ tôi lo lắng không cùng, kêu tôi than vãn:
- Trời mưa trái mùa như vầy hư lúa hết, thêm một nỗi trộm đạo thừa dịp ăn cắp không chừng, con chịu khó đi canh một vòng rồi về ngũ.
Trời lạnh thấu xương, nhưng không nỡ để cho mẹ lo buồn, tôi xách áo tơi bưng lồng đèn ra đi.
Tôi chống xuồng giáp một vòng ruộng, đến gần ranh của con tám Én, bỗng nghe có tiếng rù rì. Tôi lập tức ngừng xuồng lại lóng tai nghe: Ai kìa? Những hột mưa rơi lắc rắc trên vành nón lá làm lấp tiếng mất tiếng còn.
Tôi đứng tần ngần suy nghĩ coi kẽ trộm hay người nhà. Cái đèn lồng tắt mất hồi tôi mới ra ruộng. Tiếng rù rì ngưng đi rồi lại nổi lên từng chặp.
- Giờ không lẽ đứng hoài đây chịu? Tôi nghĩ vậy bèn gò xuồng tằng hắng. Tiếng người mất hẳn. Thôi, phải rồi ăn trộm.
Tiện đường không nỡ để con tám Én mất lúa oan uổng, tôi chống lẹ xuồng qua nạt lớn!
- Ai đó? Ăn trộm lúa phải không?
Có tiếng giầm rớt bên be xuồng, rồi tiếng chạy ào ào. Thình lình một cây đèn ló chịa vào mặt tôi…
- Hà, đi đâu đấy, mầy mới quả thật là ăn trộm!
tôi vừa kịp nhận ra là thằng tư Bồ thì một cây sào dài đâu vụt tới.
Tôi hoảng hồn biết không xong, bấm tay đọc bùa hộ mạng: …Ôm mà xơ… nhưng trễ quá rồi, cây sào đưa một cái “rốp”, ống quyển tôi như muốn gãy lìa. Tôi té nhủi xuống nước, bị hai người áp lại đè thúc đầu gối vào lưng tôi.
Thằng tư Bồ đắc thắng:
- Mầy cả gan dám qua đây ăn trộm lúa hả?
- Ðồ khốn nạn, đừng lầm, tao đi tuần…
- Hứ, đi tuần! Sao nhè lại… đi tuần trong ruộng tao?
- Nói bậy, ruộng của cậu Hai mà!
- Ruộng của câu hai thật, nhưng tao lãnh canh giùm. Còn mầy… đồ ăn trộm!
- Khốn nạn, tiểu nhân, vu cáo!
- Có vu cáo không rồi sẽ biết. Xuồng đây, lúa đây, tao bắt được mầy tại chỗ nầy là cứ đem về cho cậu Hai định đoạt!
Tôi tức quá, phần bị nó nhận cứng dưới khoang xuồng, phần bị nghẹt, thở chẳng ra hơi, tôi không thèm cãi vã làm chi nữa, cầu cho nó đem về nhà phức đi là hơn.
Thằng tư Bồ cùng với bạn nó lấy chăn tắm trói ké tôi lại, mở lòi tòi xuồng xiềng chơn tôi, dòng chiếc xuồng tôi sau lái, hối hả chống về….

 

… Nghiệt!

Tiếc thay có một đạo bùa linh nghiệm mà tôi không dùng kịp để ra đến nỗi nầy. Nhưng ai có dè? Ai có dè được cái trở mặt hèn hạ tiểu mọn của thằng tư Bồ?
Nếu tôi biết thế, tôi chỉ hoạ bùa sớm một chút, đọc thần chú sớm một chút, nó sẽ biết tay tôi trừng trị nó cách nào kìa!
Nghe bắt được trộm, cả xóm rần rần lại coi. Con tám Én ở đâu ngoài ruộng cũng chống xuồng xồng xộc về.
Dưới ánh đuốc cháy sáng, con tám Én trước nhứt chạy hầm hầm lại coi mặt thằng “ăn trộm” thế nào.
Thấy bóng nó, tôi nóng ran ở màng tang, máu trong mình như sục sục sôi lên:
- À há!…
Giá lúc đó nếu tay tôi không bị thúc ké thì… ấn thiêng kia tôi phẩy một cái, tiếp theo một tràng… Ôm mà xơ rốp… cả một lũ cáo chúng nó sẽ ngã ra như rạ.
Con tám Én đứng khựng trước mặt tôi:
- Trời… anh Sáu!
Nó run lên, nó lảo đảo, nó làm bộ mếu máo:
- Anh Sáu, anh… ăn… trộm sao?
Trong lúc đó, thằng tư Bồ đứng cười khúc khích.
Ðây là lần thứ hai, tôi mang thêm cái nhục tày đình.
Từ lúc để cho thằng tư Bồ trói ké chở về, tôi như điên cuồng, loạn óc, tức tối đã lên tới cực điểm. Khi cái giận dữ nó đã lên cực điểm rồi, thì nó lại trở nên rất nguội lạnh hiền lành! Tôi đã ở trong tình trạng ấy. Cho nên đáng lẽ phải la ó, chử mắng, giãy giụa, đằng nầy tôi lại lạnh lùng, lạnh lùng khinh thường.
Thấy mặt tôi “lì lì”, con tám Én còn xăng văng xéo véo hơn nữa, mếu máo hơn nữa:
- Anh Sáu, anh Sáu!
Bỗng, một tiếng nạt dữ dội, tiếp theo cái chát đánh vã vào mặt, con tám Én ngã ra, té bò càng.
- Ðồ khốn nạn! Con gái hư! Mầy muốn binh nó hả?
Tôi giật mình ngước lên. Thằng cha hai Hoá ở trần trụi trụi, ngoài ruộng vừa về. Hắn vẹt người ta, hầm hầm bước vào điểm mặt tôi!
- Mầy…
Hắn khựng lại khi nhìn ra tôi, nhíu trán hỏi cụt ngủn:
- Mầy… ăn trộm lúa?
Hắn đưa tay lau mồ hôi trên chơn mày rồi lấy khăn tắm bịt trên đầu xuống. Vẻ hung ác trên mặt hắn lần lần giảm đi. Hắn hỏi lại, thong thả hơn:
- À, té ra thằng Sáu mấy ăn trộm lúa của tao?
- Khoan, cậu Hai, cậu hãy hỏi kỹ lại rồi sẽ buộc tội.
Thằng tư Bồ nói hớt:
- Nó chống xuồng vô ruộng đang lom khom vác lúa, bị thằng Năm Ô nện cho một cây!
- Ðồ khốn kiếp, cũng còn vu oan!
- Chớ mầy không ăn trộm, mầy chống xuồng qua ruộng làm gì?
- Ðã nói, tao nghe tụi bây rù rì, tao tưởng ăn trộm, qua hỏi giùm.
- Láo!
Tôi trề mội một cách khinh bỉ, không thèm cãi với nó nữa, day qua nói với hai Hoá:
- Làm ơn mắc oán, thói đời thường gặp! Cậu Hai, tôi lạnh lắm, cậu cho tôi vô nhà. Rồi cậu cho mời ông Chủ lại đây giùm tôi!
Thấy tôi nói cứng, hai Hoá hơi sợ sệt, hỏi gạn lại thằng tư Bồ:
- Mầy nói nó qua ăn trộm lúa thiệt chơi?
- Thiệt chớ cậu! Cậu hỏi thằng năm Ô thì biết!
Tôi “xì” một hơi dài.
Hai Hoá cúi đầu suy nghĩ. Lâu lắm lão mới nói:
- Thôi, vô nhà rồi sẽ hay!
Con tám Én núp sau lưng vòng người quanh tôi lấm lét dòm. Thỉnh thoảng nó rút khăn vằn khịt mũi. Tôi chỉ thản nhiên nhổ một bọt nước miếng trên đất rồi dõng dạc.
- Ê! Khiêng tôi vô nhà với chớ!
Trong lúc ấy, ở ngoài một người vẹt thiên hạ chạy vào ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở.
- Con ơi! Sao vậy con?
Tôi bỗng thấy ruột gan tôi thắt lại, nhưng gượng làm tĩnh:
- Má đừng lo, người ta vu oan cho con. Ðể ông Chủ lại con sẽ nói rõ. Ðâu cũng có luật vua phép nước, ngay gian rồi sẽ tỏ như ban ngày mà yên lòng đi mà…
Tôi càng nói ngang tàng bình tĩnh bao nhiêu, hai Hoá càng bối rối thêm bấy nhiêu. Hắn dòm mẹ tôi như muốn giải hoà:
- Thím coi, tôi không biết gì hết. Việc đâu ngoài ruộng, thằng tư Bồ bắt được thằng Sáu chở về, nói nó ăn trộm lúa của tôi. Thiệt bậy bạ quá chừng!
Nói xong, hắn lại gần tôi, toan mở trói, nhưng tôi hầm hừ:
- Không, không, cứ để vậy cho tôi mà!

*   *
   *

Ông chủ tay xách cây ba ton gù, tay cầm đèn ló bước vào.
- Bẩm Chủ… bẩm Chủ… bẩm Chủ…
Thiên hạ rền lên rồi nín thở để chờ một trừng trị gớm ghiếc. Vì theo mọi lần, hể bắt được ăn trộm, không cần hỏi đầu đuôi, ông Chủ thấy mặt là giơ ba-ton lên “khệng” lấy “khệng” để. Ðó là chưa kể ổng “sửa lưng” theo lối “điểm huyệt” hay sửa “giò gà”!
Thằng bợm nào gặp ổng thì chỉ còn có nước tu bỉ xách rổ quảu ra ngồi ở ngã ba đường!…
Ông chủ đang hầm hầm, bỗng đứng dừng lại, trợn mắt:
- Ủa thằng Sáu mà!
Hai Hoá chấp tay:
- Bẩm Chủ, thằng Sáu đờn kìm!
Tôi chưa kịp lên tiếng, mẹ tôi đã đứng dậy:
- Bẩm Chủ, người ta phao gian cho con tôi.
Ông Chủ day lại:
- Ủa, có thím ba đây nữa sao? Kỳ chớ, thằng Sáu mà đi ăn trộm nổi gì!
Tất cả vòng vây đều thở dài, không biết thất vọng hay mừng giùm cho tôi.
Tôi vẫn ngồi yên, gục đầu cho ông thấy rõ hai tay tôi bị trói ké.
Mẹ tôi kể lể:
- Chủ nghĩ, tôi sai nó đi canh ruộng, chớ thuở giờ nó có làm điều gì xấu xa đâu! Vậy mà người ta đánh đập nó, trói ké nó, bâu xấu nó…
Ông chủ nói một cây đáng ngàn vàng:
- Thím yên lòng, để tôi xét lại. Nếu quả thằng Sáu bị oan, lũ nầy nó sẽ biết tay tôi.
Thằng tư Bồ nãy giờ còn hí hởm, nghe tới câu đó nó cũng điếng hồn. Hai Hoá ngồi xuôi xị coi bộ đã sợ hãi chẳng cùng.
- Ðem cho tao cái ghế! Mở trói cho thằng Sáu ra, bây sợ nó độn thổ, tàng hình hay sao mà trói riết nó dữ vậy?
Mặt ông Chủ bây giờ nghiêm nghị lạ thường , không hầm hầm như khi mới lại, mà cũng không hiền từ như lúc nói với mẹ tôi. Ông ngồi phịch xuống ghế trong lúc thằng tư Bồ ké né lại mở trói cho tôi. Thấy tay nó run run, tôi thương hại quá, gần như trở lại tội nghiệp giùm cho nó.
- Ðứa nào bắt thằng Sáu đờn kìm? Ra đây! À, mầy, thằng tư Bồ há! Ðầu đuôi làm sao, nói đúng lại cho tao nghe. Gian dối tao tra được, tao đập nát đầu!
Thằng tư Bồ cóm róm, kể lấp vấp lưởng vưởng. Tôi không thèm đối nại, cứ lâm râm đọc thần chú và vẽ bùa.
Khi nó chấm dứt, tôi mới đem đầu đuôi thuật lại và kết thúc bằng một câu:
- Nếu tôi là một kẻ khốn nạn có lòng gian tham của kẻ cùng điền, tôi bằng lòng chịu hết tội vạ dưới đât và tội vạ của trời.
Lòng tin tưởng ở đạo bùa kiến tôi nói mạnh mẽ quá, hùng hồn quá, chắc chắn quá!
Cả thảy đều lặng thinh nghe, ông Chủ lắng tai nghe.
Thằng tư Bồ không một lời chống chế. Hai Hoá đứng trân trân, im lìm như ngậm thẻ.
Cả thảy đều chờ sự quyết định của ông Chủ. Ông nầy lấy tay xe xe mấy cộng râu trên, gặc đầu, rồi mỉm môi, nhăn mày…
Bỗng, trong cái im lặng , ngột thở ấy, ông vùng xô ghế đứng dậy, nạt một tiếng vang nhà cửa:
- Rồi bây giờ, bây không chịu cúi xuống lạy nó đặng xin lỗi hả?…

 

Muộn màng


Ðã lâu lắm rồi, tôi không đến nhà cô Yến. Lúa thóc bề bộn làm cho tôi xao lãng nghĩa thầy trò. Có lẽ thầy tôi cũng biết vậy, nên không sai người lại kêu gọi.
Không biết thằng Út vắng tiếng đờn của tôi, giờ buồn bã ra làm sao, và cô Yến, bị “ma” chụp một lần, thần hồn nay đã thế nào?
Nhiều khi tôi muốn nán ra vài giờ để đến viếng thăm, nhưng mà những chuyện qua còn ràng ràng đó, làm tôi ngao ngán nỗi đi về…
Chiều nay, cặp giò tôi đã bớt, mà nỗi nhớ nhung khi đã tăng nhiều. Thay thay đồ đi quanh quẩn một chặp, rồi không hiểu sao thuận đường đi luôn đến nhà cô Yến.
Dọc đường tôi lo lắng: Chẳng lẽ chuyện lùm xùm lên như vậy mà thầy mình không hay. Hay là thầy mình đã khinh bỉ mình rồi?…
Nhưng tôi tự nhủ: Có lý nào? Mấy hôm rồi, có người bên xóm thầy mình qua, nói thầy mình thường nhắc nhở mình luôn, và cũng không nghe nói lời gì bóng gió trách móc.
Tôi vững bụng đi. Gần tới nhà nghe tiếng trống lung tung, tôi giựt mình tự hỏi: Cúng! Mà cúng cho ai?
Bước tới thềm, ba con chó không quên, chạy ra quấn quít. Tôi xô cửa bước vào.
Ðang bày trận lăng xăng, thầy tôi trực thấy tôi ngưng đọc thần chú:
- Em mới qua!
- Dạ, thầy cúng cho ai đó?
Thầy tôi cúi mặt buồn dàu dàu:
- Con Yến!
Trời, cô Yến! Tôi rụng rời hết cả thân mình.
Vừa lúc ấy, bà thầy dưới bếp bước lên nhìn tôi ứa nước mắt. Thằng Út đang xách bình trà, chạy lại tôi, mừng quýnh:
- A, anh Sáu!
Tôi vuốt đầu nó, ngước hỏi bà thầy:
- Cô Yến đau sao đó thím?
- Ôi em ơi, nói ra càng thảm, cũng tại “nhà tôi” bỏ nhà đi hoài nên mới ra nông nỗi nầy…
Tôi kinh hãi tưởng chuyện mình đã bại lộ rồi, toan sắp đặt trả lời, nhưng bà tiếp:
- Từ hôm tôi với nhà tôi qua bên mợ Mười nói tới nay, nó càng ngày càng biến sắc. Nó yếu bóng vía sẵn, mà nay ổng đi, mãi ổng đi, không lo gì hết, chừng thấy nó lẩn thẩn, lẩn thẩn, nói nhảm, ốm o, ổng giựt mình coi lại thì nó đã bị con ma Bàn Tổ. Nó đau trên tháng rồi em à. Em lại mà coi. Bây giờ nó ốm đến không còn nhìn được.
Tôi buồn rầu, đi men lại bên giường. Cô Yến nằm thiêm thiếp, chốc chốc lại cựa mình ú ớ.
Tôi thở dài hỏi thầy:
- Rồi thầy cho cổ uống thuốc gì?
- Thuốc gì mà uống cho hết. Cách mấy ngày đây nó lại bị Quỷ Vương lậm quá, tôi lật đật chữa quyết mà chưa thấy giựt giảm chút nào.
- Chữa thì phải chữa, nhưng cũng nên uống thuốc thêm cho nó giúp sức. Sao thầy không lại thầy ba Ðắt hốt thử ít thang coi?
- Thầy ba Ðắt mà ăn nhằm giống gì? Trục hết mấy con Quỷ Vương ra, tự nhiên nó mạnh.
- Sao thầy không trục?
- Trục chóo, ngặt một mình làm không xuể. Quỷ Vương có tới năm đứa lận: một đứa mặt xanh, một đứa mặt đỏ, một đứa mặt trắng, một đứa mặt vàng và một đứa mặt đen…
Nói tới đây, ông kéo tôi ra ngoài:
- Em luyện đạo bùa thành chưa?
- Dạ thành.
- Mạnh không?
- Dạ, mạnh lắm.
- Ðược, mai em tiếp với thầy ăn thua với lũ nó một phen. Thầy quyết một còn một mất!
Nghe tới đó tôi bắt rùng mình. Cự với người bằng xương bằng thịt thì tôi chấp sợ, dẫu thua tôi cũng biết đường chạy. Ðằng nầy với một bóng ma! Nó đến lúc nào? Nó đi phía nào? Tôi đâu có được “huệ nhãn” như thầy tôi! Nhớ tới chuyện quỷ bẻ cổ người ta, tôi bỗng rợn tóc gáy. Nhưng thầy tôi đã mưọn chữa cho cô Yến, dẩu tôi chết tôi cũng không từ.
Tôi ngồi chơi một chút rồi kiếu ra về. Tôi bước lại nhìn cô yến một chút. Cô nằm sát trên chỗng, xếp ve. Tôi bùi ngùi đưa tay rờ trán cô rồi kêu nhỏ nhỏ:
- Cô Yến! cô Yến!…
Ðang mê man, cô Yến từ từ mở mắt, trợn lên, nhìn tôi dữ tợn rồi chơn tay chòi chòi trên chiếu như muốn chồm dậy. Tôi thất sắc bước lui ra. Thầy tôi lẹ chơn bước đến đè cô xuống, niệm một câu thần chú, bắt ấn vuốt cho cô, rồi kéo tôi xa ra, nói nhỏ:
- Thấy lạ, nó muốn làm dữ!
Lòng tôi bỗng như se thắt lại, nước mắt gần trào ra.
Ôi, mới hôm nào, cũng trong gian nhà nầy mình ôm cô trong tay, nghe trái tim cô đập, nhìn cặp mắt cô hữu duyên, nghe giọng cô trong trẽo mà bây giờ…
Tôi từ giã ra về, lòng tràn ngập nỗi buồn sầu.

*   *
    *

Ngày hôm sau, tôi thưa với mẹ tôi tự sự và xin phép đến chữa cho cô Yến.
Ra đi, tôi hăng hái lạ thường, miệng cứ lẩm nhẩm câu thần chú cho thiệt lâu, lâu lâu thủu bắt ấn.
Trong nhà, thầy tôi đã sắp đặt đâu đấy sẵn sàng cả rồi. Trận ví trong buồng. Cô Yến nằm thiêm thiếp trên chõng. Chugn quanh, thầy tôi treo chỉ giăng giăng. Dọc theo sợi chỉ có dán mấy hình nhơn bằng giấy vàng, bụng có vẽ bùa son. Dưới chân cô Yến là một cái hũ có lá bùa bịt nắp hờm sẵn. Phía trên đầu giường là một cái ghế có ấn Tổ.
Bà thầy bưng lên một cái sàng có 5 cộng mo, năm khứa trứng gà, năm vắt cơm, một gói nổ. Thầy tôi cầm cây roi mây dài dặn lần:
- Nè, em đứng án cửa buồng, hể nó nhập vào con Yến thì em bắt ấn cầm lại. Ðể thầy năn nỉ, chừng nào nó không chịu, mình mới bắt quyết vô hũ. Coi chừng, miệng luôn luôn đọc bùa, tay giữ ấn quyết, hỏo một chút là có hại đến mình nghe…
Tôi dạ dạ nghe lời, nhưng bụng phập phồng thót ruột. thầy khởi đầu đốt sáng mấy cây đèn chung quanh trận, dặn thêm.
- Nè, khi tôi năn nỉ nó không được, bắt nó vô hũ rồi em nhớ bắt ấn hồi sanh, vuốt qua mặt con yến, thổi một hơi dài cho nó tỉnh lại nhé!
- Dạ.
Xong, thầy đốt bùa, cầm gươm bằng cây vòng có vẽ hình sao bắc đẩu, hươi chỉ vào cô Yến, phát trâm lên những tiếng gì líu lo như tiếng Lèo, rồi đập mạnh xuống bàn Tổ hét:
- Các ngươi có chịu trả hồn vía con yến lại không?
Cô Yến đang nằm, vùng mở mắt trừng trừng. Thầy liền giậm cẳng nhảy lên giường. Bị động, cô yến trở mình một cái nhẹ. Thầy liền chụp con dao để trên bàn cúng. Tôi kinh hãi tưỏong đâu thầy giận dữ chém cuống một lát thì còn gì là cô yến…! Nhưng không, thầy trợn mắt, phùng mang, đưa dao lên hăm doạ rồi đọc tuôn ra một hơi, mời “năm ông” (ngũ hổ) trợ chiến:
“Thần kim phục vọng, kiết mẹ Chằn tinh, cư hải động oai cường, chức thông biến hoá, đã nên tài thái cả, phải mặt oai linh. Bữa bà ăn ba động yêu tinh, khát nước uống sơn khê suối cạn. Miệng niệm chú thâu bình bá vạn, ăn thhịt tà xương chất đầy non. thuở xuân xanh tuổi nọ còn son, ở thạch động khi không bà thai nghén. Ngày thổn thức, đêm nằm chẳng chuyện. hai mươi lăm năm bà mới sinh thai. Tháng mười hai sanh đặng năm tướng dị hình dị tạng. Bà đem nơi cốc xứ bỏ năm chàng. Nơi thạch động bà về. Chúa sơn lâm xem thấy ủ ê, bèn cán trái cho ăn làm nghĩa…”
Kế tiếp theo một tràng tiếng Lèo nữa, thầy nạt lên một tiếng lớn, mặt trở nên ghê gớm lạ thường, miệng nhai xàm xạp, phun phèo phèo, rồi thầy đưa cây dao lên cứa cánh tay gân guốc. Máu túa đỏ. Thầy kê miệng nút, ngước mặt lên phun vào mình cô Yến một cái phèo…
Tôi đứng bắt ấn, niệm chú, trấn ở cửa buồng mà cũng thấy ròn rợn nơi xương sống.
Thình lình thầy liệng dao, xách roi quất trên không từ đầu xuống chân cô Yến, chụp lấy cái hũ, kèm theo cái “kiếng linh” rọi từ cổ đến ngón chân cái và đưa ngay vô miệng hũ nhiều lần. Xong, tay chụp lá búa ém chặt miệng hũ thầy day lại tôi:
- Sáu!
Tôi đang há hốc với những kinh dị, trực trớ lại lời thầy dặn, bỏ cửa, chạy riết lại giường cô Yến, bắt ấn hồi sanh, đưa tay lên run run vuốt mặt cô và thổi phá từ đầu xuống bụng.
Cô Yến đang nằm im lìm, liền nấc lên một hơi dài.
Tôi mừng quá kêu:
- Cô Yến tĩnh lại rồi thầy ơi!
Thầy tôi còn cầm cái hũ hớn hở chạy lại.
Bỗng dưng thầy biến sắc, đưa tay rờ qua lỗ mũi cô Yến, rồi vùng buông rơi cái hũ xuống đất bể làm hai, khóc rống:
- Ối trời ơi! Ối quỷ thần ơi! Quỷ Vương đã bắt con tôi đem đi theo rồi!...

 

Tử Thù

Con tám Én với tôi nay đã là kẻ tử thù. Cô Yến chết, phải chăng một phần vì nó, phải chăng vì những chuyện lùm xùm dây dưa đến tôi phải chịu muộn màng không được cùng cô Yến khuyên lơn hay nghe vài lời vĩnh biệt?
Tôi căm gan nhớ lại cái đêm nào! Ừ, cái đếm nào ấy, nó đi đâu? Nếu không phải là cặp với thằng tư Bồ ngoài ruộng và xúi thằng nầy bắt sống tôi?
- Ái chà! Chúng bây lại xách theo thằng Năm Ô để gác đường… Kỹ lắm, chúng bây kỹ lắm nên khi tao lên tiếng là con tám Én chuồn đi, để hai thằng khốn nạn ở lại dở trò… khốn nán!
Hứ! tư tình lén lúc giữa đồng mà lại còn xách cây đèn ló theo! Con tám Én ơi, tao với mầy không còn tình nghĩa gì nữa rồi! Trước kia tao còn vị lòng tử tế của mầy nên gác qua chuyện cũ, nay mầy lợi dụng lòng tử tế của tao mà trở lại hại tao. Mầy giả dối hiền lành với tao, giả dối vui cười với tao, giả dối nói xấu thằng tư Bồ với tao… giả dối, giả dối, giả dối… để rồi chúng bây toan hạ cuộc đời tao xuống… Nhưng trời cao có mắt, rồi chúng bây hãy sửa soạn mà xem tao trả thù!…
Tôi càng nghĩ càng tức, giận mình không có con mắt tình đời, giận mình sao không “thư” đại nó một lá bùa hôm gặt lúa.
Giờ, chuyện đến thế nầy, mong gì được tự do gặp nó lần nữa?
Ðêm ấy, theo lịnh ông Chủ truyền, thằng tư Bồ riu ríu cùng thằng Năm Ô quỳ xuống lạy tôi, hai Hoá lại năn nỉ tôi thì con tám Én ở sau thò đầu ra hầm hầm giận dữ. Có lẽ nếu ăn gan tôi được, nó đã nhảy xổ lại moi bụng tôi ra rồi.
Tôi thấy tôi với nó từ đó là hai địch thủ ghê gớm. Phe nó có võ, tôi có bùa. Hai bên “găng” nhau, chỉ chực hở một chút là vồ nhau như hai con thú dữ.
- Ừ, thì chấp cả lủ chúng bây đó, chấp cha lẫn con, chấp thầy lẫn trò. Tao luyện bùa tao lại, rồi có ngày bây sẽ kéo nhau ra đền tội mà!
Trong lúc đó, ông Chủ đã “mám” bùa tôi nhiều thêm, cứ lân la đến hà tôi chơi mãi. Ðêm ổng xử bọn hai Hoá lạy tôi xong, ổng kêu con tám Én phải dầm mưa đi kiếm “cỏ hôi” về bó cẳng cho tôi, lấy rượu thuốc ra cho tôi uống ấm bụng. Ổng bảo: “cha làm con chịu”, rồi ổng kêu tôi xuống xuồng ổng chở về nhà giùm cho.
Thấy tình ổng đối với tôi, tôi cảm động quá.
Mẹ tôi kiếm hết cách từ chối, nhưng ổng làm mặt giận:
- Hay là tôi xử như vậy thím chưa vừa bụng? Thím coi, tôi thấy nó bị đánh oan, tôi thương, tôi lo lắng cho nó, để đền bù tội lỗi của tá điền cũ của tôi. Dầu sao, đám nầy cũng đã lầm lỡ rồi, không lẽ bắt chúng nó chở thằng Sáu về rồi ở nuôi nó được. Chúng nó cũng nghèo, cũng đang lo làm mùa ruộng cho xong, tôi mới nhơn tay, chớ hành hạ chúng nó cũng tội nghiệp, không ích gì.
Thì đây sẵn xuồng, bầy trẻ đưa tôi cùng về một đường, thím từ chối là từ chối làm sao?
- Bẩm Chủ, mẹ con tôi ngàn năm cũng không dám quên ơn Chủ, lẽ nào lại không vâng lời, nhưng làm nhọc lòng Chủ quá, mẹ con tôi không yên!
- Gì mà nhọc lòng? Không có nó, tôi lại không về hay sao? Thím cứ kể là tôi thay mặt cho đám nầy đền bù chút tội lỗi…
Ông Chủ nói câu ấy làm cả xóm đều ngùi ngùi, nhứt là phe hai Hoá đứng lặng trang nhìn ông bằng cặp mắt biết ơn không thể tả.
Xuống xuồng, mẹ con tôi ngồi im thin thít. Ði khỏi nhà hai Hoá một đổi, ông Chủ bỗng cười xoà lên:
- Thím thấy không, tôi thương thằng Sáu quá nên mới xử “chìm xuồng” như vậy. Ðáng lẽ bình thường, oan ưng chưa biết, bắt được ăn trộm là tôi đóng trăng tại đó, đánh cho nhù tử rồi sáng đem ra làng, ra sao thì ra!…
Mẹ tôi chỉ biết trả lời:
- Ngàn lần cám ơn Chủ, muôn lần cám ơn Chủ!
Ðến nhà, ông Chủ sai tên bơi xuồng đỡ tôi dậy và dìu lên. Chính mình ông rọi đèn cho mẹ tôi và níu giữ cho mẹ tôi bước đường trơn khỏi té.
Ông ngồi cà kê dê ngỗng một chặp rồi mới chịu ra về.
Nhưng khi ra khỏi cửa, ông bỗng nhớ trực lại một chuyện gì, bèn trở lại ngoắt mẹ tôi ra ngoài.
Tôi nằm trong nhà nghe mẹ tôi nói lấp vấp:
- Cám ơn Chủ, tôi không dám!
Và tiếng ông Chủ đáp
- Ậy, không hề gì mà…!
Ổng đi rồi, mẹ tôi buồn bã trở vô nhà. Tôi hỏi mới biết ổng đưa mẹ tôi năm đồng bạc bảo kiếm thuốc bó cẳng cho tôi. Mẹ tôi không dám thọ ơn thêm, toan chối từ thì ổng ấn đại tiền vào tay mẹ tôi rồi mới chịu đi về.
Mẹ tôi để năm đồng bạc trên bàn, muốn nói với tôi một chuyện gì lắm, nhưng thôi, lại nằm phịch trên ván.
Trong đêm trường vắng lặng, tôi càng suy nghĩ càng thêm khoan khoái lạ kỳ: Ôi câu thần chú linh thiêng! Hãy giúp tôi thêm bao đường vinh quanh khác nữa…

*   *
   *

Cô Yến chết không mấy ngày là tôi phải cắm đầu làm lúa.
Thế thường gặt xong lúa bó phơi khô, tá điền phải chở về chất ngố trong sân ruộng của ông Chủ. Sân ấy ở giữa điền rộng rãi vô cùng. Riêng phần ai nấy giữ, phần ai nấy lo đập hoặc cho trâu đạp ra lúa hột.
Ðập xong, xòn phải giê lúa hột cho sạch rồi mới bắt đầu đong cho chủ điền.
Ðong xong, còn dư bao nhiêu mới được phép chở đem về nhà.
Làm như thế không ai giấu đút đi đâu được.
Nhưng ở các điền khách, tôi thường thấy lúa ở sân đong vửa triến cho chủ điền có khi còn thiếu là khác. Thế mà tá điền vẫn còn lúa chở đi bán như thường.
Những cái bí mật đó, chỉ có giới tá điền mới hiểu nổi.
Nhưng nói cho chí công chí minh, nghèo chịu, chớ tôi chưa lần nào dở thủ đoạn ấy, bởi tôi biết những người đã đem thủ đoạn đó ra không ai giàu, không ai dư xu nhỏ xu lớn nào. Họ cũng vẫn thiến thốn và nhiều khi cũng bỏ điền trốn đi như chú tư Lộ.
Năm nay, ở sân ông Chủ nhộn nhịp lắm. Tá điền đập lúa ngày lẫn đêm. Ban đêm, nhứt là những đêm trăng tỏ, không thiếu mặt người nào ở sân lúa. Làm việc dưới ánh trăng đã ít nhọc lại không tốn đèn đuốc.
Thường thường ở những lúc tụ hội đông đảo ấy, người ta tranh nhau làm không biết mệt. Ðàn ông đánh cuộc nhau; đàn bà, con nít chực sẵn từ bó lúa đập xong liệng ra, giành giũ cho sạch hột đặng có ôm rơm chạy đua ra chất đống ngoài bìa sân.
Về lúa đạp trâu thì ít nhọc hơn. Chờ khi bã lúa đã đạp “chín”, họ dùng những mỏ xảy xới rơm rất gọn gàng.
Trong những lúc ấy, họ nói chuyện tiếu lâm, chuyện ma, chuyện quỷ, chuyện đời.
Lúc nghỉ, họ lại tổ chức nhiều cuộc vui thú vị như là nhảy chan chán, trốn kiếm, u, cút bắt, nhảy dây, thí võ…
Những trò ấy không phải chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà cả đàn ông, đàn bà cũng nhào vô chơi.
Ðêm ấy trời trăng sáng như ban ngày. Lúa không còn bao nhiêu nữa là hết, nhưng gặp lúc gác tay gợi lại nỗi buồn, tôi nằm trường trên ván sạp, lâu lâu buông tiếng thở dài. Mẹ tôi thúc mãi tôi buộc lòng thờ thẫn ra sân.
 Ở đó, đủ mặt dân điền… có cả con tám Én và thằng tư Bồ…
Người ta đã biết cả sự hiềm khích của chúng tôi nên khi đặt chân vô sân là muôn mắt đều đưa lên nhìn.
Thằng tư Bồ đang cong lưng đập lúa cho con tám Én, trực thấy tôi, bèn ho lên một tiếng rồi khạc nước miếng nhổ xuống đất. Con tám Én đang lom khom giũ rơm, cũng ngưng lại nhìn tôi rồi cúi đầu.
Ối chà! Thật là xứng đào xứng kép! Thấy cảnh ấy, bỗng nhiên lửa giận nổi phừng, tôi bậm môi nói thầm: À! Cho mặc bây trêu người, rồi bây sẽ biết tay tao như thế nàó
Tôi cố nén lòng lại ngố lúa mình gần đó lấy cặp đập.
Trong lúc ngườit a đan đủ đôi đủ cặp, tôi thấy lòng mình càng trống trải. Hình ảnh cô yến hữu duyên thoáng ra trong óc, rồi cô Yến héo tàn…
Bó lúa trên tay tôi nặng trĩu. Mình tôi đau nhức từ lóng xương, tâm thần uể oải.
Thằng tư Bồ cứ tằng hắng, cứ ho hen, kêu thằng năm Ô gợi chuyện:
- Ê Năm, đời người ta lắm lúc chịu nhiều cái oan “con chó”! Những thằng mà mình chỉ níu đầu cho một “loi” vô bản họng là nằm ngay cán cuốc, thế mà mình phải quỳ trước mặt nó, năn nỉ nó, có ức cho không?
- Thôi, mầy nhắc đến lũ “cào cào châu chấu” đó tao ghét lắm. nó có thế thần; nó có “cò máy” với nhau! Nó dựa hơi, nó ỷ thế, chớ đồ “xỏ lá” ấy, “bung” được, tao “bung mẹ” nó một cái là rồi đời…
Ðang quạu, đang buồn, tôi tức giận tràn hông không còn nhịn được nữa, liệng cặp xốc lại:
- Ê hai thằng kia, bây nói a “xỏ lá”, ai “cào cào châu chấu” hả?
- Nói ai mặc tao, can dự chi đến mầy?
- Bây chỉ là một lũ tiểu nhơn được tài nói hành, nói lén người ta!…
Bị chửi ngay mặt, thằng tư Bồ nổi giận:
- Ê, tao có nói lén ai mậy, tao nói trước mặt mầy kia chớ! Mầy giỏi làm gì thử chơi? Ðánh tay đôi, sức một?
- Chấp cả hai thằng! Ðứa nào giỏi, đập lúa xong ra thử tài, không cần phải gây sự một cách hèn hạ như vậy?
- Thiệt chơi?… “Mần”! Ai lại chạy ai à?
người ta thấy gây lộn ồn ào, bu lại coi.
Con Tám Én đứng sững người ra. Từ khi khởi đầu câu chuyện, nó lén lút đưa mắt nhìn tôi như khẩn cầu.
A, con nầy cũng biết ghê mình, muốn “xin” giùm cho tụi nó! Ðược đâu!… Rồi sẽ đến phần mầy nữa kia mà!
Nghĩ như vậy, tôi không thèm dan ca, cãi cọ làm gì nữa, rán đập cho rồi đống lúa.
Bó lúa ban đầu nặng trĩu bao nhiêu, bây giờ nhẹ nhõm bấy nhiêu.
Sân lúa chỉ còn vang lên những tiếng đập, tiếng lào xào của rơm, tiếng nẹt trâu, và tiếng rầm rì của đàn bà, con nít…

*   *
   *

Ðêm đã khuya lắm mà không một người nào chịu về. Cả sân đều biết cuộc đấu võ chánh thức của tôi. Và có lẽ họ lấy làm ngạc nhiên cho một thằng đờn ca yếu nhớt như tôi mà ra đánh võ. Họ xầm xì chờ đợi.
Ðập xong đống lúa, tôi đi dài ra ngoài mé sân thẩn thờ dạo mãi, chờ. Tôi đọc sơ lại câu thần chú, dượt sơ lại cái ấn thần thình. Phe thằng tư Bồ cũng hối hả, không mấy chút đã đập xong phần lúa, rồi kéo nhau đi chọn một góc sân bằng phẳng làm võ trường.
Tôi quay đầu thong thả đi vào, bỗng con tám Én ở đâu lù lù đi lại đón đầu tôi kêu nho nhỏ:
- Anh Sáu, anh Sáu!
Tôi lạnh lùng khinh bỉ:
- Cô muốn gì?
- Tội nghiệp, anh Sáu à, đánh làm gì, rủi…
- À há! Cô sợ tôi đánh chết tụi nó? Không, không, cô đừng lo, tôi không hèn mọn mà hạ chúng thẳng tay đâu!
- Anh Sáu à, em chỉ sợ cho anh…
- Sợ cho tôi? Thôi đi cô, cho tôi xin, cô đừng mỉa mai tôi thêm nữa!
Tôi bứt ngang bỏ con tám Én bẻn lẻn đó, rảo bước đến bức tường người.
Thằng tư Bồ đã chực sẵn ở võ trường.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, vẹt người ta chen vô chính giữa.
Thiên hạ lại xầm xì lên:
- Thằng “Sáu đờn kìm” giỏi lắm chỉ chịu nổi một thoi của thằng tư Bồ là cùng!…. Trời ơi, ai chẳng biết thằng tư Bồ có bộ “Phụng hoàng” tuyệt diệu….
Thiên hạ càng khen, thằng tư Bồ càng kiêu hãnh. Nó hất ngược mặt lên trời:
- Ê cho mầy sửa soạn năm phút! Cho mầy tấn trước! Cho mầy muốn đánh cách nào đánh, đâu cũng được…
Rồi nó “đi” một đường thảo vòng tròn theo lớp người, miệng nói oang oang:
- Xin lỗi bà con đứng rộng ra một chút, tôi có tật đan1h mạnh tay, rủi trong lúc giao đấu lỡ đụng bà con thì kỳ lắm!….
Xong, nó quây vù vù một bộ nữa rồi chớp một cái, nó đứng “sụn” hai cẳng xuống, cung tay thủ thế coi vững chắc như trồng:
- Nào, nhào vô kiếm ăn?
Tôi vẫn một mụuc làm thinh, tay bắt ấn, miệng đọc thần chú lầm thầm, lưỡi vẽ bùa, thổi nhẹ ngay mặt nó cho mờ mắt… Rồi định bụng lại “xán” cho nó một bốp tai, một bốp tai thôi, cho nó mang xấu lần nữa tới già.
Thổi bùa xong, tôi từ từ đi lại, đưa tay lên sè lần ra…
Bỗng đâu một tiếng “khoan” vang dậy từ phía ngoài, con tám Én vẹt người nhảy xổ vào.
Tôi thụt tay lại ngơ ngác, thằng tư Bồ chợp né cũng ngơ ngác… thì con tám Én đã tới nơi.
Tôi bụng bão dạ: À con nầy nhào lại “đỡ đạn” cho thằng tư Bồ đây!
Tôi sắp niệm thêm một câu thần chú nữa để hạ nguyên cặp, thì bất thình lình con tám Én chộp ngực thằng tư bồ lúc lắc:
- Mầy ỷ sức định hại người ta hả?
Rồi cũng bất thình lình, nó co giò, tống ngay vô bụng thằng nọ một đạp lộn nhào không kịp đỡ.
Cái thằng coi vậy mà yếu đòn, nằm ngay chừ dưới đất giãy tê tê.
Tôi còn kinh ngạc, bỗng dưng người ta bên ngoài lo ó lên:
- Ðỡ thằng tư Bồ dậy! Giựt dùm dây lưng cho thằng tư Bồ!… Giựt mau lẹ ra, nó mất thở rồi!…
Mà thiệt, thằng tu Bồ đã nín thở.
Bỗng lại có tiếng la vang lên nữa:
- Tránh, tránh mau mầy, Sáu đờn kìm!
Tôi chưa kịp quay đầu lại, chỉ thấy thoáng bóng một cái gì chớp nhoáng… xẹt xuống đầu tôi đánh “bốp” như trời giáng. Tôi xỉu xỉu, ngã quay ra không còn biết gì nữa….

 

Trăng Thanh

Nghe tiếng khóc thút thít bên tai, tôi giựt mình tỉnh dây. Ðầu tôi nhức nhối như bị chẻ làm hai. Nghe hơi lạnh buốt cả thân mình, tôi lần lần mở mắt.
Ủa lạ! làm gì tôi đang nằm sóng sượt trên xuồng và trong bụi mắm?
Trăng vẫn sáng tỏ như thường để chen vào cành cây những tia sáng mong manh.
Bóng cây đã ngả chỉ rằng trăng đã quá đầu. Xa xa có tiếng chó sủa dồn. Sương khuya nhểu từng giọt, từng giọt, từ trên lá mắm xuống xuồng xuống mình tôi.
Tiếng khóc vẫn thút thít trong vô cùng yên lặng. Tôi đưa tay rờ lên đầu. Ðầu đã được bịt một cái khăn ướt ướt.
Tôi rán chống tay ngồi dậy để nhìn kỹ người đang khóc phía mũi xuồng, nhưng vô ích, tay chân tôi còn rũ liệt.
Xuồng động, tiếng khóc thút thít bỗng ngưng mất. Rồi xuồng lại động. Tôi có cảm giác rằng người khóc ấy đang bò lại gần tôi.
Quả thiệt như vậy, “người ấy” bò lại, “người ấy” đỡ tôi dậy, để tôi nằm trên tay, rồi “người ấy” kêu nho nhỏ:
- Anh Sáu!
Ý trời! Con tám Én!
Tôi rụng rời không nói được gì hết. Sự ngạc nhiên là liệt bại cả nói năng và cử động của tôi.
Con tám Én nhẹ nhàng ôm tôi trên tay, kéo vào lòng. Hơi ấm ở người nó lần lần thấm vào da tôi, vào thịt tôi. Hơi ấm ấy, với tôi là một nguồn sanh lực, một phương thuốc thần làm cho tôi định tỉnh: nó đá thằng tư Bồ nhào một đống… mình bị ai “khệng” một cây… Rồi bây giờ sao lại nằm đây, nằm trên xuồng, trong bụi mắm? Nó làm gì tưng tiu ôm mình?… nó làm gì mà… khóc? Mà làm gì nữa lại ở trong bụi mắm nầy chớ? Lạ lùng, lạ lùng, thật lạ lùng! Phải hỏi cho ra lẽ…
Tôi giợm ngồi dậy, nhưng bàn tay mềm mềm của nó đưa lên, chỉ đè nhẹ một cái là tôi nằm yên xuống không cục cựa.
- Anh nằm cho khoẻ một chút đi!..
Rồi nó lại nối tiếp cái “bản khóc” bi ai thê thảm.
Lần nữa tôi lại lạ lùng: Hồi nãy mình nằm “ngay cán cuốc”, nó khóc; bây giờ mình sống nhăn lại đây, nó cũng khóc. Quái lạ cho con nầy!
Vùa lúc đó, tôi trực nhớ lại mối thù. Vùng một cái, tôi ngồi xổng lên điểm mặt nó:
- Thôi đi, đừng màu mè trêu gan tao nửa!
Tức thì, con tám Én đưa tay bụm miệng tôi lại:
- Ðừng la lớn, anh Sáu!
Tôi vẫn trợn mắt nói oang oang trong lòng bàn tay nó:
- Cái gì… cái gì mà bụm miệng người ta?… Ôm mà xơ rốp…
- Anh Sáu à, nằm yên xuống đây, em sẽ nói hết cho anh nghe.
Giọng nó tấm tức, tấm tưởi nghẹn ngào làm tôi cũng động lòng. Tôi gở tay nó ra dịu bớt:
- Làm gì tôi ở đây, mà làm gì… cô ở đây?
- Anh Sáu ơi, em đang trốn, ngưòi ta đang kiếm em rần rần ngoài kia kìa!
- Kiếm cô? Sao cô không về, lại bắt tôi phải trốn theo trong bụi mắm nầy là nghĩa lý gì vậy?
Tôi dứt câu nó lại khóc thêm, khóc mướt.
Ai có lòng dạ sắt đá, chai, lì đến thế nào đi nữa cũng phải động mối thương tình, huống gì tôi, thằng “Sáu đờn kìm”, đã có lần xưng “anh” ngọt với nó.
Tự nhiên, tôi vuốt tóc nó, níu tay nó, ngọt ngào:
- Em Tám, sao em khóc, anh làm gì em mà em khóc?
- Anh Sáu ơi, khổ cho em lắm. Chết em rồi anh Sáu à!
Mình tôi thấy ấm nữa, mà trở lại nóng hầm:
- Trời, gì đó em Tám, sao vậy em Tám?
- Anh ơi, để em thuật hết đầu đuôi cho anh nghe. Thằng tư Bồ, như anh đã biết, là học trò ruột của ba em, nghề nói giỏi lắm. Vậy mà anh dám rủ nó thí võ. Chẳng lẽ anh với nó gây lộn, em, người ngoài cuộc, em lại xen vô đưọc lời gì. Thấy anh hứa đánh với nó, em đón đầu cản anh, anh không nghe. Ðến khi nó thủ cái bộ “lão hổ” là cái thế độc hiểm vô cùng, mà anh không biết. Anh đã đứng xụi lơ, rồi lại càn dám xáp lại gần nó nữa. Em đứng ngoài hết vía, biết rằng nếu nó trở bộ một cái là đá vô bụng anh chết liền. Lúc đó quýnh quá, em không kịp suy nghĩ, chạy nhào vô để cứu anh. Ðã vậy mà nó lại nghình em, sẵn đang tức giận, em cho nó một đạp nhào đầu. Rủi em đạp mạnh quá nhằm dạ dưới làm nó tức đến mất thở. Em đã điến hồn, kế dòm lại thì anh đã bị thằng năm Ô vác cặp đập lúa đánh anh chết giấc…
- Trời, thằng năm Ô đánh anh? Ðồ xỏ lá, quân khốn nạn!
con tám Én lật đật bụm miệng tôi:
- Nhỏ nhỏ chớ!… Lúc đó, máu trên đầu anh ra nhiều quá mà thiên hạ chỉ lo cứu thằng tư Bồ không ai ngó ngàng gì đến anh, em đau lòng rút khăn rằn bịt đầu cho anh, rồi mượn chị bảy Móm khiêng anh xuống xuồng.
Ðến đó con tám Én lại nghẹn ngào:
- Ba em mà bắt được em trốn đem anh đi như vầy thì em chết mất không còn.
Tôi cảm động quá, bao nhiêu nước mắt trào ra, tôi siết chặt lấy tay nó:
- Em thưong anh lắm sao em?
Con tám Én cúi đầu không đáp câu hỏi của tôi, tiếp:
- Em định chỏ anh về nhà cho bác băng bó, nhưng vừa đi được một đỗi, có đèn đuốc rượt theo rần rần, em phải lủi xuồng vô đám mắm nầy ẩn trốn. May qua, xuồng vừa đậu yên thì họ theo tới. Họ chia ra từ tốp, kẻ trên bờ, người dưới xuồng, cãi nhau om sòm.
- Nó chở thằng “Sáu đờn kìm” đi ngả nầy, ngả nầy… Không xa đâu… sức nó mà bơi bao nhiêu!
Thấy họ kiếm em ráo riết quá, em nhè nhẹ vẹt lá mắm dòm ra ngoài thử coi.
Ba em ngồi trên một chiếc xuồng có hai người bơi. Dưới ánh trăng, em khống thấy rõ vẻ mặt ổng như thế nào, nhưng theo câu nói của ổng thỉ khổ cho em vô cùng.
- Cậu hai nói gì?
- Ba em hậm hực như tức tối: “Bắt nó đưọoc, tôi giết chết! Tôi giết không nghĩ tình cốt nhục gì nữa…”
Con tám Én nói tới đó khóc oà.
Tôi càng thương hại thêm, càng đau lòng thêm, càng yêu mến thêm. Tôi chụp nó ôm sát vào lòng:
- Em Tám ơi, anh lầm em rồi, anh đâu có dè em có một tấm lòng đáng yêu như vầy! Vậy mà anh cứ coi em như một kẻ thù khốn nạn.
- Trời, anh thù em?
- Vậy mới có chuyện tác tệ đến dường nầy! Em có biết đâu từ ngày anh phục lụy em giữa đồng vì ba con cá, anh cho đó là một cái nhục không sông ngào rửa sạch? Anh mới lập tâm thế nào trả cho được cái nhục ấy, nghĩa là làm thế nào cho em quỳ lạy anh lại, năn nỉ anh lại, mới vừa lòng. Anh bỏ điền cậu Bộ qua điền ông Chủ cũng vì lý do ấy, mặc cho anh Chủ ổng đè nén, bóp chẹt đủ điều… Ôi! Anh đâu có dè vì một mối thù nhỏ mọn đó mà đưa anh với em đến tình cảnh nầy…
Con tám Én gạt nước mắt mếu máo:
- Anh ạ, em bây giờ chỉ biết có chết mà thôi chớ không còn mặt mũi nào dám thấy ba má em nữa. Ba má em có ý muốn gả em cho thằng tư Bồ, muốn bắt nó làm rể ở, nay em đạp nó chết giấc, ba má em đâu có thể dung tình cho em được!
Tôi an ủi:
- Em vì anh mà ra nông nỗi nầy, lẽ nào anh không biết tìm cách gì để cứu em hay sao? Em yên lòng đi, chúng ta đang ở vào một hoàn cảnh gay go, thì thủng thẳng ta sẽ liệu tính.
- Còn liệu tính gì nữa? Ba em chỉ trông gặp em là giết chết. Em là ba má em nhọc lòng, thì chỉ còn một nước là em nạp mình chọ trọn hiếu. Rồi ổng xử cách nào em cũng cam. Ðiều cần nhứt là bây giờ làm sao cho anh về nhà băng bó cái đầu lại, để lâu không tốt.
- Anh hết biết đau dodón gì nữa rồi. Dầu nó có nứt hai ra, anh cũng không ngại. Hãy lo cho phần em cái đã!…
Lo cho phần con tám Én? Tôi điên đầu nhức óc. Lo cách nào rồi cũng phải đưa nó về nhà. Mà đưa nó về? Ôi, khi nghĩ đến cảnh nó bị hành hạ, là tôi không chịu nổi. Hai Hoá nào phải là một tay vừa! Nó mà chịu những thoi, những đá, thì còn chi là thân thể… liễu bồ?
Tôi nảy ra đưọoc một ý nghĩ: Hay là dẫn nó theo trốn? Nhưng ý đó bí chống trả lập tức: Trốn đi đâu? Mẹ còn đó không ai nuôi, lúc còn đó không ai làm, tiền không một xu dính túi, gạo không một hột đỡ lòng….
Sau cùng, tôi nghĩ được một kế kỳ diệu:
- Em à, chúng ta không thể chần chờ đây nữa được, sợ sáng ra thì bị bắt cả chùm. Ở đây có ngả tắt về nhà ông Chủ. Ông Chủ là người thân của anh. Anh em mình rán chốgn xuồng lẹ về đó anh gởi em cho ổng, mượn ổng đến xin tội cho em. Bề gì ổng cũng là chủ điền của cậu Hai, anh chắc cậu Hai không nỡ hành hạ em đâu.
- Anh thổi bùa gì cho ổng mê được?
- Bùa gì mặc anh, bây giờ em hãy nghe anh đi.
- Em sợ đi dọc đường…
- Ðừng lo, gặp ai anh cũng không sợ, anh làm cho họ mờ mắt hết… đừng lo!
Con tám Én vùng vằng một chặp, suy nghĩ đáo để rồi đáp:
- Không được anh à. Ai mà đi với anh lại nhà ông Chủ cho được, thiên hạ họ thấy sẽ cười thêm…. Thôi, em có cách nầy: nếu anh “thân” với ông Chủ thì em đưa anh ra bờ. Anh đi một mình lại cầu cứu với ổng, nói với ổng sáng lại nhà em xin tội giùm em.
- Còn em?
- Em nằm trong bụi nầy chò sáng cho ba em nguôi giận, em sẽ về nạp mình. Anh có thương em thì lo giùm bấy nhiêu là đủ.
Con tám Én nói rồi lấy giầm chống xuồng ra khỏi bụi mắm.
Tôi giã từ nó bằng một cái hôn “dữ tợn” rồi nhảy vọt lên bờ…

 

Hận Nghìn Ðời

Tôi xả giò chạy về nhà cho mẹ tôi vững lòng một chút rồi sẽ hay. Ðầu tôi phơi ngoài sương lạnh trở lại nhức nhối vô cùng.
Tới nhà, tôi đã mệt đuối. Củua mỏo bét. Cây đèn cháy lụn, còn “níu” chút nửa lập loè chỉ chờ một hơi gió động là tắt.
Tôi vừa khêu lên vừa cằn nhằn: Không biết mẹ tôi đi đâu mà bỏ nhà hoang lạnh như vầy, rủi ăn trộm lỏn vô lấy hết đồ thì còn gì xoay trở?
Nhưng tôi giựt mình: Hai cái ghế nhỏ ngã nằm sòng sượt, khay trầu, chén dĩa đèu lăn đùn ra, cái trên bàn, cái dưới đất.
Mẹ tôi đâu kìa?… Mẹ tôi đâu?…
- Má ơi!
Tôi phập phồng lo sợ dường như có một sự gì không hay xảy đến.
Tôi dòm diớn giác khắp nhà.
- Trời…
Tôi chạy nhaò lại gốc cột bên vách.
- Trời ơi… ai nhẫn tâm trói mẹ tôi, đánh mẹ tôi thân thể như vầy?
Tôi khóc rống lên, quỳ phục xuống, ôm mẹ mà gan ruột chẳng còn.
Mẹ tôi bị trói ké vào gốc cột, áo bị xé nát, tóc phủ lùm lùm xuống mặt, gục đầu ngất đi tự hồi nào.
- Má ơi! Má ơi!…
Không nghe mẹ tôi trả lời, tôi điếng cả đầu óc, rối loạn cả tâm can, vừa khóc vừa mở dây bồng mẹ tôi để nằm trên ván.
Mẹ tôi thở hoi hóp như sắp lìa trần.
Lúc nầy tôi mới nhận được mặt mày của mẹ tôi đầy những cục u nần xanh xám, mình mẩy đầy vết tím bầm.
Hỡi cả thiên hạ trên thế gian nầy!
Người con nào thấy mẹ như thế lại chẳng muốn bứt cả chùm ruột, cả tim gan, rồi kêu lên một tiếng cho thấu đến Trời, hét lên một tiếng cho ba đào sóng dậy?
Tôi nằm phủ phục bên mẹ, khóc la, rên siết:
- Ðây hẳn là quân độc ác, lũ tàn bạo, thằng tư Bồ và thằng hai Hoá trả thù mình bằng cách tàn nhẫn vầy đây!…
Tôi tức tối đến đỗi hai bàn tay nắm chặt lại đập xuống ván ầm ầm cho sưng cả lên mà không biết đau đớn.
- Tao sẽ ăn gan bây, uống huyết bây, để trả thù cho mẹ tao!… Má ơi…! Tỉnh dậy với con má à! Con đây nè má….
Tôi kêu, tôi khóc, tôi la… Trong đêm tàn chỉ có tiếng dế âm u bên ngoài đáp lại.
Cầu cứu với ai bây giờ? Xóm tôi nhà nầy cách nhà kia đến hàng chục công đất ruộng.
Kêu mẹ tôi không tỉnh, tôi chạy đi lấy khăn nhúng nước vỗ trán, vỗ mặt, vỗ đầu.
Tôi cầu Trời khẩn Phật, kêu réo hết cả thần thánh mười phương… vái van khẩn thiết.
Mẹ tôi cựa mình là tôi hồi hộp, mẹ tôi bực ra đưọc một tiếng rên là tôi thấy nhẹ như đang bị đè dưới Ngũ Hành Sơn vừa thoát dậy.
- Má ơi, con đây má!
Mẹ tôi từ từ mở mắt, nhìn thấy tôi, nước mắt chan oà.
- Con… con… phải… không?
- Con đây má, con đây! Làm sao thân thể má như vầy? Ai trói má, ai đánh má, má nói cho con nghe, con đi trả thù cho má ngay bây giờ!…
mẹ tôi sẽ sẽ lắc đầu đau đớn:
- Con ơi, con làm gì mà mặt đầy máu me như thế?
Tôi giật mình đưa tay lên vuốt mặt mới hay cái khăn con tám Én bịt văng mất đi hồi nào, mà mắu trên đầu bựt ra nhiều quá, chảy dài xuống ưóot cả hai gò má.
Tôi nghiến răng:
- Không sao, con té lỗ đầu chút đỉnh. Má! Có phải bọn hai Hoá và thằng tư Bồ đánh má không? Má nói liền cho con nghe, con nóng lắm!
Mẹ tôi lắc đầu thêm lượt nữa:
- Không, không phải con à! Hai Hoá hồi nãy có lại đây kêu cửa hỏi thăm con tám Én rồi đi mất… làm gì nó dám đánh má!
- Nó chỉ hỏi thăm con tám Én rồi thôi à?
- Thì nó hỏi rồi đi chóo còn ở làm gì, vả lại khuya khoắt rồi, mà nó đi hối hả lắm!
- Té ra mà không hay gì hết… Má rồi ai đánh má đây chớ?
Rán trả lời với tôi đến đây, mẹ tôi mệt lắm, nằm yên, nhắm mắt lại, không đáp.
Một chặp sau, mẹ tôi mở mắt ra nhìn tôi, nước mắt lại tràn theo:
- Con cho má chút nước đi con!
Vụt một cái, tôi bưng chén nước lại.
- Má ơi, xót ruột con không biết ngần nào, nước đây má uống đi, rồi má nói cho con biết kẻ nào đan1h má, con xách dao đi lấy đầu nó ngay bây giờ… con mới hả dạ.
- Thôi con ơi, không nên! Như vầy cũng đủ nhục nhã thân má lắm rồi. Con đừng làm thiên hạ hay thêm, để má chết, về với ba con.
- Trời, má nói gì vậy má?
- Con đừng trả thù, mà trả thù không được đâu con à. Sợ rồi làm lụy thêm cho thân con. Người ta bắt má, đánh đập má ở giữa đồng. Mẹ con mình ở đây bơ vơ… Mà người ta là người thế lực…
- Thế lực bằng ông Trời con cũng không sợ. má cứ nói đi, con xách đầu nó về đây liền cho má thấy cái gan của con.
- Con dằn xuống. Má biết con đang tức tối lắm. Nhưng má còn tức tối hơn con nhiều… Má cũng phải ôm lòng chờ chết… Con hãy để một mình má chịu nhục thôi con…
Nói xong, mẹ tôi khóc ngất gần bứt hơi.
Tôi hốt hoảng, lấy quạt, quạt cho mẹ tôi, vuốt ngực cho mẹ tôi, đầy những lo sợ, uất ức, nóng lòng…
- Má ơi, má nghỉ một chút cho khoẻ đi má, rồi má nói cho con nghe, thế nào má cũng nói cho con nghe, không, con chết theo má…
Trong lúc mẹ tôi nằm thở dốc, tôi bóp đầu nặn óc cố suy nghĩ. Vế thương trên đầu lại động, máu lại trào ra.
Mệt nhọc, nóng ngảy, tức tối, đau đớn bao nhiêu gom lại đè nặng tren mình, tôi gục đầu bên mẹ tôi, nằm thiêm thiếp.

*   *   *

Ðêm tàn. Ánh trăng mờ lại trong màu sương đục đục ở ngoài trời. Vài tiếng chó sủa rời rạc ở xóm ngoài. Mấy con dơi bay đớp muỗi, đập cánh sột sạt bên vách lá.
Tôi đang chập chờn trong ác mộng, bỗng nghe tiếng mẹ tôi thỏo hổn hển kêu:
- Con ơi, con!…
Tôi giật mình chỗi dậy, kinh hoàng đỡ mẹ tôi nằm trên tay.
- Con ơi… má bị đánh nặng lắm, bằm hết cả mình mẩy… bể hết cả gan phổi… má sắp chết… Con kề tai xuống đây… má nói… má nói vì sao… và kẻ nào đánh má… con… con, người giết cuộc đời má là… là… ông Chủ!
Tôi nhảy nhổm người:
- Sao? Ông Chủ giết má! Ông Chủ giết mẹ tôi, trời nè…!
Tôi tức giận run lên, lảo đảo toan nhảy xuống đất.
Nhưng mẹ tôi gượng níu tôi giựt lại:
- Không… con, má nói người giết cuộc đời má là ông Chủ… mà người đánh má là…
- Là ai?
- Người đánh má là… bà Chủ! Thảm thiết chưa con, nhục nhã chưa con!… thằng hai Hoá lúc nãy đi rồi, ông Chủ lại đây, ổng ngồi lân la chuyện vãn, ổng mở lời chọc ghẹo má… ổng ôm đại má… thì bà Chủ ở đâu nhảy xổ vào.. Bả níu đầu má, bả chửi, bả rủa… Cùng với con ở trói má vô gốc cột, đánh má, đập má tơi bời… Mà con ơi…, má đâu có tội tình gì… Con… con…!
Mẹ tôi nấc lên một hơi dài, rồi từ từ nhắm mắt lại, vào giấc ngủ vô cùng.
Tôi đập đầu xuống sạp, hét lên một tiếng lớn, rồi ngất lịm đi bên người mẹ xấu số!

 

Ðoạn Kết

Năm năm tù và mười năm biệt xứ không dài bao nhiêu, nhưng nó thay trọn cuộc đời tôi. Tôi muốn người ta cho tôi ngồi trong khám mãi để mà quên đi, quên biệt, còn hơn cho tôi trở về với người đời.
Năm năm trong tù, tôi học rành chữ quốc ngữ và mon men được chút đĩnh chữ Tây.
Mười năm biệt xứ khiến tôi có dịp dạn dày với cuộc đời và nới rộng tầm con mắt.
Tù hạn trả xong, tôi lần về làng cũ. Cảnh vật không còn như xưa nữa. Ông và bà thầy pháp đã vào cảnh Tiên, Phật; thằng Út đã đi theo cải lương; đất ông Chủ Nghĩa bán cho người khác; con tám Én đã có chồng với một dọc con dài, chồng nó là thằng tư Bồ.
Tôi cất một căn nhà trên hòn Ðá Bạc. Ở đó, ngày ngày nghe gió thét sóng gầm. Chỉ có gió thét sóng gầm mới an ủi được lòng tôi.
Và chiều chiều, khi vừng thái dương sắp chìm vào nước biển, tôi leo lên một mỏm đá cao chót vót đứng nhìn về phía đất liền.
Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng nầy sang đồgn kia, ruộng nầy sang ruộng khác. Trong những đồng ruộng mênh mông, hiền lành đó, ẩn trú biết bao nhiêu là tá điền và chủ điền…
Mà thôi, dĩ vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa!…
Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ….

 Hết.